(ĐTTCO) - Từ khi niêm yết trên sàn HOSE năm 2009 đến nay, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) luôn ghi nhận mức tăng trưởng khá ổn định và bung tiền thâu tóm nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, điều bất ngờ là kể từ thời điểm đó đến nay MSN chưa từng chia cổ tức cho cổ đông.
Tham vọng lớn
Hiện tại, MSN được biết đến là một trong những công ty lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, tập trung hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên. MSN là đơn vị dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng gồm thực phẩm, đồ uống với những thương hiệu nổi tiếng trong nước như nước mắm Chinsu, nước tương Tam Thái Tử, mì ăn liền Omachi, Vinacafe và bia Sư Tử Trắng.
Quy mô lớn đồng nghĩa với áp lực khi duy trì tỷ suất lợi nhuận thỏa đáng. Thực tế, trong năm 2015 lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của MSN đã bắt đầu giảm nhẹ so với năm trước. Năm 2016, MSN dự kiến kiến đạt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận thuần sau thuế và tiếp tục không chia cổ tức. |
Tuy mảng kinh doanh trọng tâm của MSN là sản xuất hàng tiêu dùng với sản phẩm chủ lực là gia vị, nhưng những năm gần đây MSN đã có những chiến lược cực kỳ táo bạo. Đơn cử là thương vụ MSN mua lại dự án Núi Pháo từ năm 2010, đánh dấu bước ngoặt mở rộng sang mảng khoáng sản. Mỏ Núi Pháo (tỉnh Thái Nguyên) có trữ lượng lớn với các khoáng sản có giá trị cao như vonfram, bismut và florit. Một khi đi vào hoạt động, Núi Pháo sẽ trở thành nhà cung cấp vonfram và bismut lớn nhất (chiếm 33% thị phần vonfram thế giới) và là nhà cung cấp florit lớn thứ 2 bên ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, MSN còn đang mở rộng sang mảng thức ăn chăn nuôi qua việc thâu tóm Proconco và Anco để thành lập CTCP Mansan Nutri-Science.
Có thể nói, động thái mở rộng các hoạt động kinh doanh, liên tục thâu tóm những doanh nghiệp tiềm năng là một trong những hướng đi hiệu quả của MSN. Theo BCTC năm 2015, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MSN đạt lần lượt 30.628 tỷ đồng và 1.478 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 90% và 37% so với cùng kỳ 2014). Trong đó, Masan Nutri-Science đóng góp 14.054 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất dù mới được MSN mua lại từ tháng 4-2015. Ngành hàng thực phẩm và đồ uống mang lại 13.918 tỷ đồng doanh thu (mảng bia mang về doanh thu 706 tỷ đồng). Trong đó, Vinacafe và kinh doanh bia tăng trưởng khá mạnh so với năm trước đó. Khoáng sản và chế biến giá trị gia tăng mang lại cho công ty 2.658 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2015, giảm 6% so với cùng kỳ. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), một thành viên của tập đoàn, đã giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1,5% trong năm qua và ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 43,8%. Như vậy, tính đến 31-12-2015, lợi nhuận chưa phân phối của Masan đạt hơn 8.561 tỷ đồng.
Bạo chi thâu tóm và ESOP
Ghi nhận được kết quả hết sức thành công nhưng tại ĐHCĐ MSN được tổ chức vào ngày 1-4, HĐQT của MSN lại đưa ra quyết định không chia cổ tức năm 2015. Như vậy, đây là năm thứ 7 liên tiếp MSN không chia cổ tức cho NĐT. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT MSN, để doanh nghiệp lớn mạnh cần đến từ 3 nguồn lực bao gồm: tích lũy để phát triển, con người và nguồn lực từ cổ đông. Chính vì vậy, HĐQT MSN quyết định chưa chia cổ tức ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù tờ trình không chia cổ tức vẫn được thông qua, nhưng chia sẻ của ông Quang chắc chắn không nhận được sự đồng cảm của nhiều cổ đông. Theo nhiều cổ đông, tại sao MSN tính toán trong việc chi trả cổ tức nhưng lại vô tư phát hành CP theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với số lượng lớn. Theo đó, MSN sẽ phát hành 10 triệu CP ESOP (chiếm 1,34% tổng số lượng CP đang lưu hành) với giá phát hành 10.000 đồng/CP. Đối tượng phát hành là nhân viên công ty và không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017. Đặc biệt, điều khiến cổ đông bức xúc nhất là việc tập đoàn này rất bạo chi trong các quyết định thâu tóm. Điển hình là thương vụ mua vào 14% cổ phần của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) với mức giá lên đến 126.000 đồng/cổ phần. Điều đáng nói là trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trước đó của Vissan, giá trúng thầu trung bình là 80.000 đồng/cổ phần.
![]() |
Mặt hàng tiêu dùng là thế mạnh của MSN. |
Theo lý giải của giới phân tích, việc MSN quyết không chia cổ tức có thể đến từ lo ngại của HĐQT doanh nghiệp về những khó khăn đang đối mặt. Chẳng hạn, bên cạnh những lợi thế và cơ hội MSN có được cũng có nhiều yếu tố rủi ro đối với tình hình sản xuất kinh doanh. Đáng kể nhất là rủi ro cạnh tranh trong ngành hàng tiêu dùng, sau khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và TPP. Áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ các doanh nghiệp ngoại mà ngay cả các doanh nghiệp nội cũng đang tạo sức ép mạnh mẽ lên MSN.
Ngoài ra, rủi ro trong ngắn hạn đối với MSN là cơ cấu nợ khá lớn. Tính đến cuối năm 2015, khoản vay và nợ dài hạn của MSN đã lên hơn 29.735 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều khoản nợ bằng USD của MSN gặp rủi ro trong bối cảnh tỷ giá được dự báo sẽ căng thẳng trong năm 2016. Đặc biệt, việc trở thành tập đoàn đa ngành khiến cơ cấu tổ chức của MSN ngày càng phức tạp và cồng kềnh.