MSN - Bước chạy đà ấn tượng

(ĐTTCO) - Với lợi nhuận hợp nhất tăng 3 lần, doanh thu lĩnh vực hàng tiêu dùng tăng 78,3% trong quý I-2018, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đang giúp cổ đông quên đi cụm từ “khủng hoảng giá heo” trong năm 2017.
Thậm chí, MSN sẽ có bước tiến dài bằng việc cho ra mắt thương hiệu thịt heo trong năm nay.
Vượt qua khó khăn
Tại ĐHCĐ thường niên 2018 tổ chức ngày 24-4, HĐQT của MSN đã công bố những thông tin mới nhất về kết quả kinh doanh quý I. Theo đó, doanh thu thuần được duy trì ổn định ở mức 8.274 tỷ đồng, dù vẫn còn chịu tác động tiêu cực của “khủng hoảng giá heo”. Đóng góp nổi bật nhất cho MSN là Masan Consumer Holding (MCH).
Theo thống kê, doanh thu thuần của MCH đạt 3.586 tỷ đồng (tăng 78,3% so với 2.011 tỷ đồng cùng kỳ 2017). Mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ này phần nào cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của MCH. 
 MSN đã đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, tương ứng 31% vốn tại Techcombank. Năm 2017, MSN ghi nhận 3.600 tỷ đồng tiền mặt từ việc bán cổ phần Techcombank và giảm sở hữu xuống còn 20%. Khoản lợi nhuận này được MSN dùng để mua CP quỹ MSN ở thời điểm giá khá thấp để bây giờ bán ra giá cao hơn.
Đơn cử, sản phẩm bia tăng trưởng trở lại với doanh thu thuần tăng hơn 564% (đạt 91 tỷ đồng so với 14 tỷ đồng trong quý I-2017), nhờ vào đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2017 với việc phục hồi nhãn hiệu “Sư Tử Trắng”. Việc tung sản phẩm bia cao cấp mới vào cuối tháng 4-2018, đồng thời mở rộng hệ thống phân phối, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giúp Masan tiếp tục hoàn thiện xây dựng danh mục sản phẩm bia hoàn thiện tại tất cả mức giá cho các phân khúc khách hàng khác nhau.
Đây là kết quả của chiến lược đầu tư trọng tâm vào các hoạt động marketing, nhằm xây dựng thương hiệu và tạo ra thị hiếu tiêu dùng ở phân khúc cao cấp. Lợi nhuận thuần sau thuế (EBITDA) của MCH tăng trưởng 417,4%, từ 194 tỷ đồng trong quý I-2017 lên 1.004 tỷ đồng trong quý I năm nay.
Đóng góp lớn cho MSN không thể không nhắc đến Masan Resources (MSR). Mảng kinh doanh này đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ấn tượng nhờ vào giá vonfram tăng cao và hiệu quả hoạt động được cải thiện. Doanh thu thuần của MSR tăng trưởng 26,5%, đạt 1.487 tỷ đồng (tăng 26,5% so với 1.176 tỷ đồng cùng kỳ năm trước), lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông tăng 168,3% lên mức 117 tỷ đồng trong quý I.
Trong bối cảnh kiểm soát tài nguyên môi trường tại Trung Quốc và chính sách kiểm soát quota xuất khẩu, kết hợp với nhu cầu cao hơn cho hóa chất và kim loại dùng cho công nghiệp, giá vonfram được cho sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Ban điều hành MSN dự báo doanh thu tăng trưởng trên 30% và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông MSR dự kiến trong khoảng 600-1.000 tỷ đồng trong năm nay.
Đặc biệt, khoản đầu tư vào Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng ghi nhận kết quả ngoài mong đợi, với lợi nhuận trước thuế 2.569 tỷ đồng trong quý I (tăng gấp đôi so với mức 1.325 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái). Tại ĐHCĐ thường niên 2018, cổ đông của Techcombank đã thông qua kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 10.000 tỷ đồng (tăng 24,4% so với năm 2017).
 
MSN - Bước chạy đà ấn tượng ảnh 1 Sản phẩm Nam Ngư và Chinsu tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng của MSN. 
Kế hoạch đầy tham vọng
ĐHCĐ của MSN đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với doanh thu thuần hợp nhất được dự báo tăng trưởng trên 20% (đạt 45.000-47.000 tỷ đồng) do tăng trưởng 2 chữ số của MCH và MSR; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dự tính đạt 3.400-4.000 tỷ đồng (tăng 10-30%).
Cụ thể, MCH được dự báo tăng trưởng trên 30% nhờ vào chiến lược chuyển đổi sang các sản phẩm cao cấp và phát kiến cho các sản phẩm mới trong ngành gia vị và thực phẩm tiện lợi, kết hợp với đà tăng trưởng tốt của lĩnh vực đồ uống và thịt chế biến. Phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của MSN được kỳ vọng duy trì ở mức 19.500-19.950 tỷ đồng trong năm 2018, do thị trường thức ăn chăn nuôi cần khoảng 6 tháng (từ nái đến heo con) để phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, MSR được dự báo tăng trưởng trên 30% do giá vonfram phục hồi và hiệu quả hoạt động được cải thiện. 
Theo Ban điều hành MSN, mục tiêu 2018 được cho khá tham vọng, nhưng tập đoàn hoàn toàn có khả năng về đích nhờ các bước đi hợp lý. Đơn cử, MCH tăng trưởng đột phá nhờ vào việc chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh từ “bán hàng hóa” sang “xây dựng thương hiệu”.
Các sáng kiến chiến lược trong năm 2017 đã mang lại kết quả với tăng trưởng hơn 30% doanh thu, có khả năng đem lại tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nữa trong năm 2018. Những nhãn hiệu trụ cột như Nam Ngư và Chinsu tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, trong đó tăng trưởng sản lượng đóng góp 74%, phần còn lại đến từ giá bán trung bình của sản phẩm cao hơn. 
Đáng chú ý, người tiêu dùng đang bắt đầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn, minh chứng bằng tăng trưởng 323% của nước mắm Chinsu so với mức tăng trưởng 78% của nước mắm Nam Ngư. Nước tương cũng đang cho thấy xu hướng tương tự, doanh thu từ nhãn hiệu Chinsu (tăng 136%) tăng nhanh hơn Tam Thái Tử (tăng 29%).
Ngoài ra, sản phẩm nước mắm cao cấp mới tung trong năm 2017, bao gồm “Nam Ngư Phú Quốc”, “Nam Ngư Nhãn Vàng” và “Chinsu Mặn Mà”, đã giúp thị phần nước mắm của MCH tăng thêm 1,5% trong quý I, kéo theo mức đóng góp của các sản phẩm cao cấp trong ngành hàng nước mắm tăng từ 4% trong quý I-2017 lên 15% trong quý I-2018. Tất cả sản phẩm này đang được bán với giá cao hơn 1,5-3 lần so với danh mục sản phẩm trung cấp, là chiến lược của MCH trong việc tạo ra thị hiếu tiêu dùng trong phân khúc cao cấp.
Chia sẻ với cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT MSN, cho biết MSN đang nhắm đến sản phẩm gia dụng chăm sóc cá nhân, thậm chí đang nghiên cứu ngành dược phẩm, phương án M&A. Chiến lược này sẽ nhắm vào đối tác có công nghệ để MSN nhanh chóng dấn thân vào ngành hàng mới.
Cụ thể, MSN sẽ không đầu tư vào nuôi trồng sản phẩm organic hữu cơ mà tập trung vào những gì đang làm, trước mắt tung ra sản phẩm thịt sạch (quy mô thị trường 100 triệu USD) ngay trong năm nay. MSN hiện đang làm việc với đối tác Hàn Quốc về công nghệ để làm sản phẩm chế biến từ thịt.
“Chúng tôi không thu mua thịt heo hơi mà phát triển chuỗi khép kín, để có nguồn heo đạt chuẩn MSN đã phát triển nhà máy tại Nghệ An với 10.000 con heo nái, đồng thời phối hợp với các hộ chăn nuôi lớn phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu trong 3 năm tới” - ông Quang nói.

Các tin khác