MSN - khởi động tăng trưởng bền vững

(ĐTTCO) - Với kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng của năm 2017, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đang phát đi thông điệp rõ ràng về hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.  

Thành công với mô hình mới
Theo BCTC quý IV-2017 vừa được công bố, MSN đạt doanh thu thuần 37.621 tỷ đồng (giảm 13,1%) nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông thiểu số tăng 11,1% (đạt 3.103 tỷ đồng). Đây được xem là năm thành công trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động của MSN.
Một trong những điển hình của bước đi chiến lược mới này là Masan Consumer Holdings (MCH) - công ty con của MSN, đã tạo ra tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “bán hàng hóa” thành “xây dựng thương hiệu”. Mục đích của chiến lược này là giảm hàng tồn kho ở nhà phân phối, tăng hiệu quả của việc bán hàng đến người tiêu dùng, và giảm sự phụ thuộc vào khuyến mại để có nhiều nguồn lực hơn đầu tư vào xây dựng thương hiệu. 
 Dù đối mặt với nhiều thử thách, nhưng với chiến lược tái kiến thiết mô hình hoạt động MSN đã ghi nhận được kết quả đáng khích lệ. Năm 2017 mới chỉ thể hiện “trái sớm đầu mùa”, nhưng rất rõ ràng và đầy hứa hẹn. Cá nhân tôi vô cùng cảm hứng và tràn đầy tin tưởng vào những bước chuyển lớn và đột phá của mỗi nền tảng kinh doanh của MSN, để biến 2018 thành sự khởi đầu ấn tượng cho hành trình tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.
Ông Nguyễn Đăng Quang,
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
 
Nhờ vào việc giảm 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho tại hệ thống phân phối, chi phí khuyến mại đã giảm hơn 11% so với nửa cuối năm 2016, trong khi chi phí xây dựng thương hiệu tăng 8%. Điều này đã thúc đẩy doanh thu ở các ngành hàng chính, đồng thời tăng khả năng thành công khi tung các mặt hàng mới. Ngoài ra, số ngày hàng tồn kho ở nhà phân phối đã giảm từ 2 tháng xuống dưới 1 tháng, qua đó giúp người tiêu dùng có sản phẩm mới hơn.
Một công ty con khác là Masan Resources (MSR), cũng tiếp tục chuyển đổi mô hình từ khai thác khoáng sản trở thành nhà sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram.
Đây là nền tảng kinh doanh bền vững, giúp duy trì hiệu quả tài chính ổn định của MSR qua các chu kỳ hàng hóa. Với chiến lược này, MSR đã ghi nhận được kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2017 với lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt mức 206 tỷ đồng, dù hàm lượng vonfram khai thác giảm trong năm qua. 
Kỷ lục về lợi nhuận không thể không nhắc đến là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Theo công bố, lợi nhuận sau thuế Techcombank đã tăng gấp đôi trong năm 2017, từ 3.149 tỷ đồng năm 2016 lên 6.445 tỷ đồng. Đáng chú ý là Techcombank kết thúc năm 2017 với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức 12,68% và tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,61%.
Đây là kết quả của việc trích lập dự phòng nợ xấu bao gồm toàn bộ khoản nợ xấu được bán cho VAMC. Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P đã ghi nhận thành quả từ hành động này của TCB và nâng mức xếp hạng triển vọng tính nhiệm của ngân hàng lên mức “ổn định”, đồng thời duy trì xếp hạng tín nhiệm dài hạn của TCB ở mức "BB"- và ngắn hạn là "B", ngang hàng với Vietcombank vào tháng 9-2017.

Đón đầu xu thế
Masan Nutri-Science (MNS) là lĩnh vực ghi nhận kết quả khiêm tốn nhất của MSN trong năm 2017, do tác động bởi giá heo hơi giảm mạnh và kéo dài hơn so với dự kiến. Do đó, quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi cho heo giảm từ 6,3 triệu tấn xuống còn 3,4 triệu tấn trong vòng 1 năm, dẫn đến việc doanh thu thuần của MNS giảm 23,5% trong năm 2017 xuống mức 18.690 tỷ đồng.
Không những vậy, thị trường thức ăn chăn nuôi heo còn bị ảnh hưởng bởi hộ chăn nuôi chuyển sang sử dụng thức ăn chăn nuôi tự làm, bởi họ ít quan tâm hơn về năng suất chăn nuôi. Trong giai đoạn này, MSN đã đầu tư hỗ trợ hộ chăn nuôi và nhà phân phối, đồng thời ra mắt dòng sản phẩm trung cấp Bio-zeem (Bio-zeem “Xanh”) để chiếm lĩnh lại thị trường sử dụng thức ăn chăn nuôi tự làm. Chính vì vậy, MNS đã đạt được thị phần 35% trong năm 2017 so với cuối năm 2016, mặc dù con số này thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo. 
MSN - khởi động tăng trưởng bền vững ảnh 1 Lĩnh vực thực phẩm đồ uống đang là thế mạnh của MSN sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh. 
Cuối năm 2017, trang trại nuôi heo kỹ thuật cao của MNS ở Nghệ An bắt đầu đi vào hoạt động với khả năng cung cấp 230.000-250.000 con heo thịt/năm, để chế biến ra các sản phẩm thịt có thương hiệu cho người tiêu dùng. Song song đó, MNS đã có giấy phép đầu tư cho tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam, một bước đi quan trọng cho việc bán thịt mát có thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc cho người tiêu dùng vào quý IV-2018.
Việc bán thịt mát có thương hiệu là một dấu mốc quan trọng của MNS, nhằm thực hiện sứ mệnh của công ty kể từ lúc thành lập là trở thành một nhà cung cấp sản phẩm có thương hiệu cho những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay đang phải trả giá quá cao cho sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc và không an toàn. Thông qua mô hình sản xuất thịt khép kín, ban điều hành tin rằng MNS sẽ có thể đạt được biên lợi nhuận gộp ở mức 35%.

Tăng trưởng mạnh từ năm 2018
Với dự báo tăng trưởng mạnh từ MNS sau giai đoạn khó khăn, Ban điều hành của tập đoàn ước tính doanh thu thuần hợp nhất năm 2018 tăng trưởng khoảng 20% lên 45.150 tỷ đồng. Mục tiêu quan quan trọng nhất là doanh thu thuần được dự đoán sẽ tăng trưởng 2 chữ số trong mọi lĩnh vực kinh doanh.
Cụ thể, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của MCH dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 20% do không ngừng phát triển các sản phẩm mới, tăng cường đầu tư vào xây dựng thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối hiệu quả; MSR dự kiến tăng trưởng hơn 30% do sản lượng các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram cao hơn và giá vonfram tiếp tục tăng.      
Lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số (đã loại trừ các khoản thu nhập/chi phí bất thường) dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ do doanh thu thuần tăng trưởng cao. Có thể xem đây là kết quả của việc đầu tư mạnh vào xây dựng thương hiệu, đồng thời với việc quản lý hiệu quả chi phí quản lý và bán hàng. Tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng theo doanh thu trong năm 2018 dự kiến sẽ giảm 350 điểm cơ bản so với năm 2017.
Những khoản đầu tư 1 lần ở MCH để giảm hàng tồn kho tại nhà phân phối và tại MNS để hỗ trợ nhà phân phối và các hộ chăn nuôi đã hoàn tất. Đặc biệt, lợi nhuận có cơ hội tăng thêm do tăng sở hữu cổ phần tại các công ty tăng trưởng cao qua việc chào mua toàn bộ cổ phần của CTCP Vinacafé Biên Hòa và các nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính.
Dự kiến, lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng khoảng 57% lên 3.400 tỷ đồng trong năm 2018 so với năm 2017. Ban điều hành MSN sẽ trình dự thảo BCTC mới nhất cho năm 2018 trong quý I, trước thềm ĐHCĐ thường niên năm 2018.

Các tin khác