Mũ bảo hiểm dỏm và thiểu năng

Mũ bảo hiểm (MBH) dỏm là loại mũ rẻ tiền, kém chất lượng, không có chức năng bảo vệ đối với người tham gia giao thông. Còn thiểu năng thường dùng để ám chỉ những người tiếp thu kém, hay còn gọi là ngu si, đần độn.

Mũ bảo hiểm (MBH) dỏm là loại mũ rẻ tiền, kém chất lượng, không có chức năng bảo vệ đối với người tham gia giao thông. Còn thiểu năng thường dùng để ám chỉ những người tiếp thu kém, hay còn gọi là ngu si, đần độn.

MBH dỏm và thiểu năng nghe ra chẳng ăn nhập gì nhau. Ấy thế mà mới đây, một số bài báo góp ý về việc phạt người đội MBH kém chất lượng khi tham gia giao thông bằng xe máy, không biết do “vạ mồm” hay cố ý, một vị Phó Cục trưởng Bộ Công an chửi tác giả những bài viết này là bị thiểu năng.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ và sử dụng xe máy chiếm số lượng nhiều nhất trên thế giới. Năm 2008, nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn, ngành giao thông đã ra quy định bắt buộc phải đội MBH.

Đến nay đã 4 năm, có thể nói người dân chấp hành khá tốt quy định trên. Tuy nhiên, trên thực tế đa số người sử dụng MBH tốt thì ít, còn lại sử dụng các loại MBH dỏm, kém chất lượng để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông trên đường.

Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được liên Bộ Công an - Giao thông Vận tải soạn thảo và tổ chức trưng cầu lấy ý kiến người dân là nhằm vào mục đích siết chặt thị trường MBH.

Trước vấn nạn MBH dỏm và tình hình thực tế, nhiều ý kiến cho rằng quy định xử phạt người đội MBH dỏm là không khả thi. Có thể nói, quy định bắt buộc đội MBH có hiệu lực đã tạo ra một thị trường kinh doanh MBH béo bở, sôi động.

Lẽ ra với trách nhiệm của mình, các cơ quan quản lý nhà nước phải tầm soát được thị trường MBH. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, có vẻ như Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương và nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý thị trường MBH “quên” trách nhiệm của mình, buông lỏng quản lý, thả nổi thị trường này khiến MBH dỏm lên ngôi.

Người tiêu dùng rất dễ dàng mua một chiếc MBH giá tầm vài chục ngàn đồng được bày bán khắp đường phố, thậm chí tại các cửa hiệu có giấy phép kinh doanh. Những loại MBH giá rẻ như vậy biết là kém chất lượng, không đủ yêu cầu (vỏ mũ, xốp, quai mũ), nhưng không có cơ quan nào đi kiểm tra, xử phạt. Đây là yếu kém của cơ quan quản lý.

Giá như thị trường MBH được thanh lọc, tầm soát gắt gao ngay từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng 70% người tham gia giao thông đội MBH kém chất lượng như hiện nay (số liệu do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố).

Còn với người dân, không thể kiểm tra chất lượng mũ bằng cách đập vào tường hoặc ném xuống đất. Còn nếu bị lừa khi phải mua những chiếc MBH dỏm được dán tem thật là lỗi của các cơ quan quản lý thị trường, vì vậy nếu xử phạt những trường hợp này e rằng không thuyết phục.

Do đó, việc báo chí thời gian qua tích cực phổ biến những quy định của pháp luật về giao thông, đưa ra phản biện của các chuyên gia, góp ý về tính thiếu khả thi trong việc xử phạt người đội MBH dỏm cũng nhằm mục đích giúp cơ quan công quyền nhìn lại những yếu kém của mình trong quá trình thực thi pháp luật và quản lý.

Tuy nhiên, không thể vì vậy mà vị lãnh đạo kể trên xếp phóng viên vào loại “thiểu năng” thì hóa ra ông cũng chẳng khác gì một kẻ nông cạn, phàm phu tục tử và với báo chí đó là sự xúc phạm nghiêm trọng.

Có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Ý nghĩa của nó là nhắc nhở con người không nên ăn uống thiếu vệ sinh, ăn tạp để tránh bệnh tật, đồng thời hàm ý khuyên nhủ con người bớt ăn nói xàm bậy, khiếm nhã sẽ tránh tai vạ. 

Các tin khác