(ĐTTCO)-Dù cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ, nhưng tình trạng “livestream” bán hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử vẫn tràn ngập, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Từng là Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số), ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển thương mại điện tử ở nước ta hiện nay?
Ông NGUYỄN KỲ MINH: Thương mại điện tử, mạng xã hội đang tạo ra sức hút, cơ hội kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp vì ở nước ta, số lượng người sử dụng internet đã trên 65 triệu. Bộ Công thương đánh giá, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam tại thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 đạt 43%-45%. Thực tế, con số này có thể cao hơn, vì theo Google, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong 2 năm vừa qua xấp xỉ 80%.
Chỉ cần tốc độ 43%-45%, sau 2-3 năm, mức độ phát triển thương mại điện tử ở nước ta là rất lớn. Bởi đây là kênh để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh hơn. Năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, kênh bán hàng online, giao dịch, mua bán qua sàn thương mại điện tử càng nở rộ, khẳng định đây là xu thế trong tương lai.
Năm 2020, quy mô thương mại điện tử ở Việt Nam được dự báo đạt 13 tỷ USD. Chúng tôi kỳ vọng chỉ trong 5 năm tới, tức là đến năm 2025, quy mô này có thể đạt 33 - 35 tỷ USD. Khi đó, thị trường thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp làm ăn uy tín. Nhưng, tôi cũng cho rằng, đó cũng là cơ hội để các đối tượng kinh doanh phi pháp, lừa đảo lợi dụng.
Thưa ông, mua hàng online rất tiện lợi nhưng hiện nay, người tiêu dùng lại rất lo lắng về vấn nạn hàng giả?
Tình trạng lợi dụng mạng xã hội, thương mại điện tử, internet để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ đang rất phức tạp ở nước ta. Lực lượng quản lý thị trường, công an và các lực lượng thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phá nhiều vụ.
Trong đó, vụ gần nhất là vào tháng 7, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) triệt phá ổ nhóm tại tỉnh Lào Cai, gồm nhiều đối tượng chuyên “livestream” bán hàng online, “ship” hàng đi khắp cả nước, mỗi tháng thu về trên 10 tỷ đồng.
Tại kho hàng rộng hơn 10.000m² có tới hơn 158.000 sản phẩm, 100% là hàng lậu và nhái giả các thương hiệu nổi tiếng. Ổ nhóm này do đối tượng mới chỉ 28 tuổi làm chủ, thuê 70 nhân viên làm việc.
Với thủ đoạn, xây dựng mô hình kinh doanh được vận hành bài bản, có các bộ phận chuyên làm nhiệm vụ livestream, chốt đơn hàng, đóng gói sản phẩm, kế toán, quản lý kho chính, kho phụ...
Mua hàng online, mua bán qua livestream, rất tiện lợi nhưng rủi ro như thế nào, thưa ông?
° Livestream bán hàng là hình thức phổ biến trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc. Đến năm 2020, gần như các KOLs (người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội - PV) ở thị trường Trung Quốc đều bán hàng trên mạng và tại Việt Nam, nhiều KOLs cũng vậy.
Kênh bán hàng livestream đúng là rất hữu ích đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Thứ nhất, người tiêu dùng không thể xác định được nguồn gốc của sản phẩm muốn mua.
Thứ hai, người mua không thể định vị được người bán đang ở đâu? Thứ ba, rủi ro còn lớn hơn cả mua phải hàng lậu, hàng nhái là nguy cơ người tiêu dùng bị mất thông tin cá nhân mà không biết. Bởi trong các livestream trên Facebook, thường có lời mời “để lại 1 chấm hoặc comment” trong mục comment (bình luận) và người ta có phần mềm để quét, lưu trữ ngay được thông tin, mã số định danh cá nhân của người dùng.
Trước đây, Facebook để chế độ mở, cho phép tra được tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, thói quen, sở thích… của người dùng từ mã số định danh đó. Hiện giờ, Facebook đã khóa lại, nhưng các đối tượng vẫn còn nhiều cách để khai thác thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội và dùng vào những việc gì thì chỉ họ mới biết rõ.
Vậy làm cách nào để bảo vệ người tiêu dùng khỏi vấn nạn mua phải hàng giả, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng đang bung nở như nấm độc hiện nay?
Theo tôi, đầu tiên là phải rà soát lại các website, sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng cục, đội quản lý thị trường ở địa phương trong thời gian tới là nắm bắt được trên địa bàn của mình có những mô hình kinh doanh gì.
Thứ hai, phải cập nhật khung khổ pháp lý và thay đổi tư duy quản lý thương mại điện tử. Hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực này đã xây dựng từ cách đây 6 - 7 năm (thời điểm mới có khoảng mười mấy triệu người dùng internet, trong khi hiện nay đã hơn 65 triệu người).
Các nghị định về thương mại điện tử chỉ quy định có 5 hành vi chính cần xử lý, trong khi hiện các vi phạm xuất hiện nhan nhản trên internet.
Theo quan điểm của cơ quan quản lý, anh lập một tài khoản trên sàn thương mại điện tử, đăng bán đôi giày adidas fake, super fake, fake 1, fake 2… là cũng đã vi phạm, nhưng đối chiếu với quy định hiện hành thì lại không xử lý được.
Với các trang web thương mại điện tử thì còn có thể truy vết, yêu cầu phải khai báo với cơ quan nhà nước và xử phạt nếu bị tố bán hàng giả hàng lậu, nhưng các Fanpage, kênh livestream trên Facebook thì làm cách nào?
Để quản lý hoạt động kinh doanh online trên Facebook, hiện nay, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trước tình trạng lợi dụng mạng xã hội bán hàng giả, kém chất lượng.
Mỗi năm, Tổng cục Quản lý thị trường nhận rất nhiều khiếu nại của L’Oreal về tình trạng bán mỹ phẩm giả thương hiệu của tập đoàn này tại Việt Nam, trong đó có tình trạng bán mỹ phẩm giả trên Facebook mà phải mất hàng tháng, Facebook mới gỡ bỏ một tài khoản hoặc Fanpage vi phạm.
Theo tôi, đã đến lúc Chính phủ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa với các tập đoàn như Facebook để có cơ chế can thiệp, xử lý những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ… online.
Khi đã xác định là một tài khoản, cửa hàng bán hàng giả, kinh doanh vi phạm trên Facebook thì cơ quan chức năng phải xử lý được và rất mong Facebook hợp tác với chúng ta. Hiện nay cơ chế để gỡ các thông tin như này rất vất vả; lực lượng quản lý thị trường rất khó khăn khi làm việc với các tập đoàn nước ngoài như Facebook.