Mua bán tiền lẻ, lừa đổi tiền giả

(ĐTTCO)-Dù còn gần 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng các dịch vụ mua bán tiền mệnh giá nhỏ đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Nhiều người đã lợi dụng cơ hội này để ăn chênh lệch với mức cao ngất ngưởng. Trên Facebook một số đối tượng còn ngang nhiên chào mời đổi tiền thật lấy tiền giả, chỉ việc bỏ ra 1 triệu đồng tiền thật sẽ thu về 10 triệu đồng tiền giả.
Mua bán tiền lẻ, lừa đổi tiền giả

Đổi tiền mệnh giá nhỏ, bao nhiêu cũng có

Tiền mới có mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng được người dân có nhu cầu đổi nhiều nhất, để lì xì vào dịp tết. Các loại tiền mới mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng cũng được nhiều người có nhu cầu đổi để đi lễ chùa đầu năm.

Thực tế vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không in tiền mới mệnh giá nhỏ. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ, trên mạng đang xuất hiện những trang web công khai mời chào đổi tiền mệnh giá nhỏ nhằm thu lợi nhuận bất chính. Mức phí đổi dựa trên mệnh giá tiền, tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao. 

Trang web muabantien.com công khai bán các loại tiền Việt Nam với đủ mệnh giá, khẳng định số lượng bao nhiêu cũng có, cam kết tiền thật 100%; giao hàng nhanh khắp các tỉnh/thành trong cả nước.

Liên lạc với một số điện thoại rao đổi tiền trên mạng xã hội, một người phụ nữ bắt máy cho biết: “Muốn đổi tiền mệnh giá nào cũng được, bao nhiêu cũng có. Với một bó tiền (100 tờ) mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng thì phí đổi là 100.000 đồng. Nếu ở TPHCM thì khoảng 30 phút là có người giao tiền ngay, còn ở tỉnh thì phải chờ 2 đến 3 ngày, tùy tỉnh, và phải chịu thêm phí ship nữa”. 

Thực tế, để có đủ một bộ tiền đầy đủ các mệnh giá, hoặc tiền có số seri đẹp và mới như các lời rao bán hiện nay là rất khó, bởi các tiền mệnh giá nhỏ không được phát hành thêm, nên rất hiếm tiền mới, không thể đổi số lượng bao nhiêu cũng có như lời chào mời.

Do vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng, không nên tin những lời rao mua bán tiền lẻ. Hành vi đổi tiền lẻ để ăn chênh lệch thực chất là một hoạt động kinh doanh, mua bán tiền.

Nói là đổi tiền lẻ nhưng khách hàng phải mua với mức giá cao hơn giá trị thật. Việc đổi tiền hưởng chênh lệch hay mua bán tiền là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Điều 30 Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc đổi tiền không đúng quy định pháp luật bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Mặc dù đã có quy định xử phạt, nhưng vì lợi nhuận cao, nhiều đối tượng vẫn bất chấp vi phạm để kiếm tiền bất chính. 

Công khai chào mời đổi tiền giả

Không chỉ chào mời mua bán tiền lẻ, một số đối tượng còn ngang nhiên chào mời đổi tiền thật lấy tiền giả. Trên mạng xã hội đang có hàng trăm trang facebook cá nhân rao đổi tiền giả, với ảnh đại diện thường là các hotgirl ăn mặc hở hang, còn ảnh bìa là các cọc tiền lớn để câu khách.

Có nhiều lời chào mời trâng tráo: “Tiền giả nhập từ Malaysia về, y như thật, nhanh tay đặt cọc với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật sẽ được nhận 10 triệu đồng tiền giả”; “Tiền giả từ Thái Lan mang về rất khó khăn, nên shop sẽ quy đổi với người dân trên toàn quốc theo tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật đổi lấy 7 triệu đồng tiền giả”; “Muốn có nhiều tiền chơi lễ, chơi tết hoành tráng, hãy vào đây đổi tiền giả”... 

Dù ai cũng biết việc mua bán, lưu hành tiền giả là hành vi phạm pháp, nhưng cũng có rất nhiều tài khoản facebook cá nhân vào comment đăng ký đổi tiền giả, và được chủ shop đổi tiền giả online mời inbox nhắn tin riêng tư.

Cũng có nhiều người ngây ngô comment hỏi: “Tiền giả sao dùng được? Không sợ công an bắt sao? Liệu có đi tù không?”... Người rao bán tiền giả khẳng định tiền giả giống tiền thật đến 97% nên sẽ không bị phát hiện và bảo đảm sẽ giao toàn quốc, nên không lo về khoảng cách địa lý. 

Theo Bộ luật Hình sự, hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3 - 7 năm; tiền giả từ 3 - 50 triệu đồng thì bị phạt tù 5 - 12 năm; tiền giả từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 10 - 20 năm hoặc chung thân.

Thật ra thì những kẻ chào mời đổi tiền giả cũng biết đó là hành vi phạm pháp bị nghiêm trị, nên không ngây dại phơi bày trên mạng xã hội chuyện phạm pháp như vậy.

Thực tế việc rao bán tiền giả là chiêu lừa đánh vào lòng tham của những người ngây thơ và xem thường pháp luật. Cụ thể, nếu muốn có được cọc tiền giả thì người muốn đổi phải đặt cọc trước 10%, 20%.

Bọn lừa đảo yêu cầu đặt cọc bằng hình thức gửi mã thẻ cào game Vcoin hoặc thẻ cào điện thoại. Sau khi mã thẻ cào đã được chuyển đi thì cũng là lúc những kẻ lừa đảo đánh bài chuồn, cắt liên lạc và chặn ngay tài khoản facebook của người bị lừa, do vậy người bị lừa mất tiền đặt cọc không thể comment để đòi lại số tiền đặt cọc. Đây cũng là lý do kẻ lừa đảo thay đổi facebook liên tục để không bị phát hiện và trốn tránh cơ quan chức năng theo dõi. 

Thủ đoạn lừa đảo không tinh vi, nhưng vẫn lừa được những người có lòng tham tiền bất chính. Dù rằng bọn lừa đảo không mua bán tiền giả, nhưng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan chức năng nên quan tâm điều tra phá án, không để bọn lừa đảo tiếp tục hoành hành.

Các tin khác