Tỷ lệ khách hàng mới tăng 40%
Chị Lê Bảo Hà (quận 7, TPHCM) là một trong những khách hàng mới làm quen với TMĐT trong thời gian dịch bệnh. Từ những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho tới các nhu yếu phẩm hàng ngày, đều được chị đặt thông qua vài cái click chuột. Trước đó với tâm lý mua hàng muốn sờ tận tay, xem tận mắt, chị Hà không chú ý đến phương thức bán hàng trực tuyến.
Nhưng dịch bệnh đã làm chị thay đổi thói quen ấy. Những người thay đổi hành vi mua sắm như chị Hà khá phổ biến trong những tháng đại dịch Covid-19 bùng phát bởi lo ngại khả năng lây nhiễm bệnh khi đến các nơi công cộng như siêu thị, chợ, trung tâm thương mại...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho biết các sàn TMĐT Việt Nam đã đưa ra con số thống kê về lượng khách hàng mới, những người lần đầu tiên mua sắm online trong dịch Covid-19, tăng tới 40% và thời gian khách hàng ở lại trên các sàn TMĐT cũng lâu hơn.
Cụ thể, tại Tiki thời gian khách ở lại trên trang tăng 20% so với trước dịch. Các ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất trong mùa dịch là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sau đó là ngành hàng bách hóa trực tuyến. Hầu hết chuỗi siêu thị trong thời điểm dịch đều tăng cường kênh mua sắm online.
Như tại siêu thị Lotte Mart, trong thời điểm dịch số lượng đơn hàng đặt qua ứng dụng trực tuyến Speed L tăng 150-200%. Tương tự, lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh tăng 49% so với quý IV-2019.
Còn theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, tại Shopee chúng tôi ghi nhận tổng thời gian mua sắm trên Shopee trung bình trong 1 tuần của người dùng tăng hơn 25%. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin chọn mua sắm trực tuyến để đáp ứng những nhu cầu hàng ngày từ sinh hoạt, làm việc và giải trí tại nhà.
Trước sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều ngành hàng khác cũng nhanh chóng bước vào cuộc đua bán hàng trực tuyến. Trước hết là sự gia nhập của chuỗi các nhà hàng, quán cà phê.
Đơn cử, các chuỗi nhà hàng thuộc Golden Gate trước nay không mặn mà với bán hàng online, trong đợt dịch cũng nhanh chóng đưa ra các gói dịch vụ G- Delivery và I-cook giao hàng tận nhà, với các combo đồ nướng và lẩu, cũng như các món ăn chế biến sẵn từ chuỗi nhà hàng trong hệ thống của mình, đồng thời cho phép khách hàng mượn bếp nướng hoặc lẩu tại nhà miễn phí.
Bên cạnh ẩm thực, thời trang cũng là lĩnh vực có sự chuyển động lớn trong dịch. Một thương hiệu vốn trước đây luôn chiếm ưu thế ở các vị trí mặt bằng đẹp như V-SixtyFour cũng phải nhanh chóng chuyển mình sang bán hàng online. Tuy nhiên do sức mua các mặt hàng thời trang trong dịch khá yếu, nên nhãn hàng này còn đẩy mạnh nhiều chương trình giảm giá lên tới 60% nhằm kích cầu tiêu dùng.
Vẫn ngại chất lượng, chưa an toàn
Vẫn ngại chất lượng, chưa an toàn
5 năm tới sẽ có khoảng 55% người Việt mua sắm qua kênh online, với giá trị mua hàng bình quân 600USD/người/năm. Doanh số TMĐT của mô hình DN - người tiêu dùng (B2C) tăng 25%/năm, doanh thu khoảng 35 tỷ USD và chiếm 10%. Kế hoạch phát triển TMĐT đến năm 2025 |
Có thể thấy dịch Covid -19 đã khiến nhiều DN đẩy mạnh hình thức bán hàng online. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Phạm Việt Anh, chuyên gia chiến lược tăng trưởng DN, việc này chưa thể khẳng định là bùng nổ TMĐT. “Dịch bệnh khiến DN gặp khó khăn buộc họ phải xoay trở để duy trì hoạt động. Còn để nói bùng nổ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hạ tầng của DN, bảo mật thông tin… Bùng nổ mang một ý nghĩa rất lớn” - ông Việt Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh rất khó để kết luận sự thay đổi trong xu hướng mua sắm của người dùng chuyển từ kênh truyền thống sang các kênh trực tuyến và sự tăng trưởng của lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.
Thực tế, dịch khiến người tiêu dùng đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, song những mặt hàng được mua nhiều nhất vẫn là các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe và nhu yếu phẩm. Theo “Bản đồ TMĐT Việt Nam” quý I của iPrice, những ngành hàng tăng trưởng mạnh này không nằm trong danh sách đóng góp nhiều cho sự phát triển của TMĐT.
Ngược lại, các ngành trước đây là "gà đẻ trứng vàng" của TMĐT như thời trang và điện máy trong mùa dịch bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong 3 tháng đầu năm, các website ngành thời trang sụt giảm 38% lượng truy cập so với quý trước. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 giảm 17% so với tháng 1.
Khi chúng ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều người tiêu dùng đang trở lại thói quen mua sắm cũ, nhất là với các ngành hàng nhu yếu phẩm. Cùng với đó là thói quen thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng, chưa kể nhiều DN còn chưa có sự chuẩn bị cơ sở tốt cho cuộc chuyển mình qua hình thức bán hàng trực tuyến... đang là những nút thắt khiến TMĐT nước ta dù tiềm năng nhưng vẫn chưa thể bùng nổ.
Đặc biệt, chỉ tính riêng trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua, rất nhiều mặt hàng y tế và chăm sóc sức khỏe bị làm giả, nhái để bán cho người tiêu dùng thông qua các kênh online. Đó là chưa kể việc nhiều gian hàng trên các sàn TMĐT đua nhau tăng giá vô tội vạ.
Trong 3 tháng đầu năm có hàng chục ngàn gian hàng trên các sàn như tiki, sendo, lazada, shopee bị phát hiện và xử lý về hành vi nâng giá, gây bất ổn thị trường, làm người tiêu dùng mất niềm tin. Khi chưa có đủ niềm tin vào chất lượng sản phẩm bán online, khó để nói đến bùng nổ TMĐT.
Ở một góc nhìn tích cực, Covid -19 có thể là cú hích để đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh TMĐT.
Song để TMĐT có thể phát triển mạnh hơn sau dịch, theo TS. Nguyễn Trương Anh Trâm, Đại học Kinh tế Luật: “Cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán qua mạng an toàn tiện lợi, cùng với dịch vụ giao hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng và dịch vụ hậu mãi nhằm tạo thêm niềm tin cho khách hàng, để từ đó mua sắm trực tuyến trở thành thói quen mua sắm của người dân ngay cả sau khi dịch bệnh chấm dứt”.