Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở nơi đất khách quê người, cô bạn Y. của tôi quyết định tìm cơ hội đầu tư ở quê nhà. Và với số vốn 200.000 đô la Singapore (SGD), khoảng 3 tỷ đồng Việt Nam (VNĐ), Y. đã nghĩ đến nhiều phương án kinh doanh nhưng cách nhanh nhất có lẽ vẫn là đầu tư bất động sản.
Qua người bạn thân giới thiệu tư vấn nhà đất, Y. tiếp cận được vài dự án ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM và chọn được một căn hộ giá khoảng 2,7 tỷ đồng. Căn hộ sẽ được chủ đầu tư giao trong năm 2017 và giá cho thuê kỳ vọng không dưới 10 triệu đồng/tháng. Với Y., đây sẽ là khoản đầu tư hiệu quả vì số tiền trên không thể mua căn hộ hàng triệu SGD hay để tiền trong ngân hàng ở Singapore.
Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy, vì trong trường hợp không có người thuê, Y. sẽ phải bỏ chi phí hàng tháng 3-4 triệu đồng tiền dịch vụ quản lý căn hộ. Nếu kéo dài, căn hộ không có người ở sẽ xuống cấp làm phát sinh chi phí sửa chữa. Một trong những giải pháp là hạ giá thuê, và nếu không thuê được Y. đành phải bán với giá thấp hơn kỳ vọng, thậm chí chấp nhận lỗ.
Dự án bất động sản muốn thành công phải dựa vào yếu tố căn bản nhất là con người. Triết lý nghe rất dễ hiểu nhưng nhiều nhà đầu tư lại không lưu ý mà chỉ nhắm vào mục tiêu lợi nhuận bằng công thức mua-cho thuê hoặc mua thấp-bán cao. Điều này được minh chứng bằng nhiều dự án bất động sản trùm mền qua bao năm rao mãi chẳng ai muốn mua hay thuê.
Nhiều năm qua, một trong những giải pháp để “phá băng” thị trường bất động sản là cho người nước ngoài mua căn hộ với sở hữu có thời hạn và điều này phù hợp với xu thế ở các nước. Thí dụ sở hữu căn hộ 99 năm là điều bình thường ở Singapore.
Quy định cho người nước ngoài mua căn hộ phù hợp xu thế của các nước. |
Vậy nếu Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ, cô bạn Y. của tôi có thể bán cho người mua khác ở Singapore để cho thuê lại, hay để ở. Y. cho biết chưa có ý định về Việt Nam sinh sống vì còn bận con cái và công việc ở đảo Sư tử. Một giải pháp khả thi là Y. cho thuê căn hộ cô đang ở tại Singapore hàng tháng khoảng 2.500SGD rồi về TPHCM sinh sống.
Nhưng Y. sẽ phải thuyết phục người chồng Singapore bỏ việc làm hiện tại để tìm công việc khác ở Việt Nam. Giả sử lương 2 vợ chồng tương đương với mức hiện tại hoặc có thể thu nhập thấp hơn nhưng giá cả sinh hoạt ở Việt Nam rẻ hơn. Tuy nhiên họ còn phải nghĩ đến 2 đứa con đang được học trường công lập Singapore với chi phí chỉ vài trăm SGD/tháng. Có lẽ phải 5-7 năm nữa, khi con nhỏ học hành và tự lập xong, cô mới thu xếp về quê hương làm việc và tận hưởng không khí của đại gia đình và người thân.
Cho đến bây giờ Y. vẫn chần chờ chưa quyết định mua căn hộ vì cô biết không dễ kiếm người thuê. Và nếu luật pháp cho phép, liệu có nhiều người Singapore sẵn sàng muốn sinh sống lâu dài ở Việt Nam trong bối cảnh đô thị ngổn ngang và môi trường khói bụi ô nhiễm. Nhưng tôi có nhận định khác, bởi tôi có rất nhiều khách hàng muốn học tiếng Việt để làm ăn và sẵn sàng lập nghiệp ở Việt Nam.
Theo thiển ý của tôi, cái họ quan tâm có thể đúc kết vào nụ cười HEHE (viết tắt của 4 chữ tiếng Anh): sở hữu nhà ở (House), cơ hội kinh doanh hay công ăn việc làm (Employment), điều kiện chăm sóc sức khỏe (Healhcare) và môi trường học hành cho con cái (Education).
Singapore, ngày 10-6-2015