(ĐTTCO) - Sau mỗi đợt suy giảm của TTCK, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố sẽ mua vào CP quỹ để hạn chế đà giảm của CP. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện đúng như công bố, và NĐT chạy theo sóng CP quỹ cũng chịu nhiều rủi ro nếu doanh nghiệp thất hứa.
Mạnh tay mua lại CP
HĐQT Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa gây sốc khi công bố thông qua kế hoạch mua lại CP quỹ, nhằm giảm số lượng CP đang lưu hành, gia tăng giá trị cho cổ đông. Theo KBC, căn cứ tình hình hiện tại, doanh nghiệp có thể sử dụng tối đa 475 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để mua CP quỹ. HĐQT của KBC đã thống nhất thông qua phương án mua CP quỹ đợt 1 với tổng giá trị tối đa 200 tỷ đồng. KBC hiện đang giao dịch với mức giá xấp xỉ 14.000 đồng/CP, giảm hơn 17% so với thời điểm đầu tháng 11. Trước sự sụt giảm mạnh của KBC, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, đã đăng ký mua vào 5 triệu CP KBC nhưng chỉ mua được gần 3,7 triệu CP.
Cũng với mục đích giảm số lượng CP đang lưu hành, CTCK VNDirect (VND) đăng ký mua 5 triệu CP quỹ. Dự kiến sau giao dịch số lượng CP quỹ của VND sẽ tăng từ 5 triệu lên 10 triệu CP. Thời gian dự kiến thực hiện từ 16-12-2016 đến 13-1-2017, với phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nguồn vốn dùng để mua CP quỹ là thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận chưa phân phối của VND. Với mức giá hiện tại VND khoảng 13.000 đồng/CP, doanh nghiệp dự kiến chi ra khoảng 65 tỷ đồng để mua đủ số CP quỹ như đăng ký. Tương tự, CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN) đăng ký mua 2,5 triệu CP NDN, từ 15-12-1016 đến 13-1-2017, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Theo công bố, nguồn vốn sử dụng mua CP là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại BCTC 6 tháng đầu năm 2016 đã soát xét.
Trước đó, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) công bố đăng ký mua lại 20 triệu CP MSN (tương đương 2,64% vốn điều lệ) để làm CP quỹ. Thời gian đăng ký giao dịch từ ngày 6-9 đến 5-10, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Mục đích mua CP quỹ nhằm giảm lượng CP đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, hết thời gian đăng ký giao dịch, doanh nghiệp này chỉ mua được hơn 9,2 triệu CP, với giá bình quân 69.324 đồng/CP. Tương ứng với việc Masan đã bỏ ra trên 640 tỷ đồng mua lại số CP này. Nguồn vốn mua vào lấy từ thặng dư vốn cổ phần trên BCTC công ty mẹ tại ngày 30-6-2016.
Hứa để tạo sóng
Có thể nói, việc MSN không mua đủ số lượng CP quỹ như đăng ký là chuyện bình thường trên TTCK trong vài năm trở lại đây. Lý do các doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho chuyện thất hứa của mình, là giá CP không như mong đợi và thanh khoản thị trường không đủ để doanh nghiệp mua vào. Theo MSN, nguyên nhân không mua hết số CP đăng ký do giao dịch và giá mua bị giới hạn, lượng thanh khoản thị trường không đủ để đáp ứng. Theo quy định, trong mỗi ngày giao dịch, MSN chỉ được đặt lệnh mua lại CP với tổng khối lượng đặt lệnh tối thiểu 3%, tối đa bằng 10% khối lượng xin phép trong đơn đăng ký gửi UBCKNN. Như vậy, với khối lượng đăng ký mua lại 20 triệu CP, MSN sẽ phải mua tối thiểu 600.000 và tối đa 2 triệu CP mỗi ngày. Dù không mua đủ số CP nhưng việc công bố mua CP quỹ đã giúp MSN có được 2 phiên tăng trần. Tuy nhiên, sau 2 phiên tăng trần từ 60.000 đồng/CP lên 67.000 đồng/CP, giá CP MSN lại bị bán ra mạnh, hiện giảm về mức 61.900 đồng/CP.
Ngày 19-8, tại buổi tọa đàm với NĐT, lãnh đạo một công ty khoáng sản đã úp mở về kế hoạch mua lại 1 triệu CP quỹ để hạn chế đà bán tháo của NĐT. Nguồn vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán năm 2015 và BCTC soát xét bán niên 2016. Thời gian giao dịch từ 29-9 đến 28-10 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Tuy nhiên, hết thời gian giao dịch, doanh nghiệp không mua lại bất cứ CP quỹ nào. Lý do được đưa ra là “thời gian giao dịch và giá mua hạn chế; giá giao dịch đắt hơn giá đặt mua bình quân”.
Chèn Ảnh |
Mô tả Ảnh |
Lách luật
Trước đây, việc mua CP quỹ được thực hiện theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Thông tư 130/2012/TT-BTC, không quy định bắt buộc công ty phải mua tối thiểu bao nhiêu CP quỹ trong tổng số CP đăng ký mua. Điều này dẫn đến việc các công ty lách luật bằng cách đăng ký mua để tác động đến cung cầu và tâm lý thị trường, nhưng khi báo cáo kết quả giao dịch lại không mua hoặc mua rất ít CP quỹ. Trước tình trạng này, UBCKNN đã công bố dự thảo thay thế bằng Thông tư 74/2011/TT-BTC, trong đó có quy định: “Nghiêm cấm tổ chức phát hành công bố thông tin về các giao dịch mua lại CP, bán CP quỹ, nhưng không thực hiện đặt lệnh giao dịch trong thời gian đăng ký giao dịch CP quỹ; hoặc đặt lệnh giao dịch với các mức giá nằm ngoài biên độ dao động giá trong thời gian đăng ký giao dịch CP quỹ. Nghiêm cấm các tổ chức phát hành công bố thông tin về các mức giá dự kiến thực hiện khi giao dịch CP quỹ”.
Mới nhất Thông tư 203/2015/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, đã nghiêm cấm tố chức niêm yết công bố thông tin về các giao dịch mua lại CP, bán CP quỹ nhưng không thực hiện các giao dịch đã công bố, không đặt lệnh giao dịch trong thời gian đăng ký giao dịch CP quỹ hoặc đặt lệnh giao dịch với các mức giá nằm ngoài biên độ dao động giá trong thời gian đăng ký giao dịch. Các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch không được công bố về mức giá cụ thể dự kiến thực hiện mà chỉ được công bố nguyên tắc xác định giá giao dịch đã được ĐHCĐ thông qua (nếu có).
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể lách luật với những lý do giá CP không như mong đợi và thanh khoản thị trường không đủ để doanh nghiệp mua vào. Thực tế, nhiều NĐT đang có xu hướng canh mua những mã CP có thông tin doanh nghiệp sẽ mua lại CP làm CP quỹ. Song không phải NĐT nào cũng thắng với sóng CP quỹ, thậm chí thua lỗ nếu doanh nghiệp đăng ký nhưng không mua bất kỳ CP nào.