'Mua danh ba vạn' đừng để phải 'bán danh ba đồng'

(ĐTTCO) - Hầu hết con người trên cõi đời đều mải mê đi tìm hai thứ, danh và lợi. Sẽ không có gì phải phàn nàn, nếu khao khát danh và lợi chính đáng.
Một vài gương mặt giải trí cũng bỏ tiền làm phim tiểu sử đánh bóng bản thân.
Một vài gương mặt giải trí cũng bỏ tiền làm phim tiểu sử đánh bóng bản thân.

Trớ trêu thay, trong bối cảnh hội nhập, giữa xã hội cứ sôi sùng sục vì những mưu cầu vật chất riêng tư, thói háo danh lại nảy nở muôn hình vạn trạng. Mua danh ba vạn, chẳng biết rẻ hay đắt, nhưng lắm phen bán danh ba đồng cũng thật ê chề.

So với những gì nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988) viết trong tác phẩm “Bệnh sĩ”, sự háo danh của người Việt hôm nay đã tăng gấp hàng chục, hàng trăm lần. Bởi bây giờ tiền bạc đang chi phối nhiều thứ. Không thể có danh thật thì mua danh hão. Có cung ắt có cầu, có kẻ háo danh lập tức có kẻ bán danh. Các loại tôn vinh được xuất hiện tràn lan.

Dĩ nhiên, đối tượng đầu tiên những kẻ bán danh luôn nhắm đến là người có sẵn nguồn lực tài chính hoặc được hậu thuẫn bởi các đại gia. Đừng nghĩ các cuộc thi Hoa hậu doanh nhân hoặc Quý bà quốc tế đều là những sân chơi trong sáng với mục đích đề cao nhan sắc. Có giá cả đấy, danh hiệu to thì tiền to, danh hiệu nhỏ thì tiền nhỏ. Thậm chí, có cuộc thi không ngần ngại trao vương miện cho nhà tài trợ kim cương. Vui vẻ cả làng, bên có danh bên có lợi.

Kỹ nghệ mưu sinh hiện đại có thêm khái niệm rất ấn tượng là xây dựng thương hiệu cá nhân. Cho nên, để thuận tiện làm ăn phải có cái danh. Nếu khoác cái danh càng lộng lẫy công việc chinh phục khách hàng càng dễ dàng. Các loại doanh nhân tâm tài chói lọi được dịp phô trương, mà ít ai biết ngón nghề điêu luyện nhất của họ là chạy quy hoạch, dự án để phân lô bán nền.

Kết cục, chẳng có mấy sản phẩm Việt kiêu hãnh bước ra khỏi biên giới, chỉ thấy các doanh nhân kiêu ngạo bước đi trên thảm đỏ sự kiện tiệc tùng cùng các chân dài nhún nhảy lụa là phấn son.

Vấn nạn háo danh chỉ quẩn quanh các quý bà diễm lệ hay các doanh nhân khôn khéo, cũng phúc cho bá tánh. Nhưng việc nó đã và đang tràn vào cả giới tri thức, giới sáng tạo, thực đáng âu lo. Câu chuyện một chị nhà giàu bỏ tiền cho công ty truyền thông để được xưng tụng “nhà thơ thế giới” quá bẽ bàng và tội nghiệp. Kiểu háo danh ấy dù sao cũng hơi ngây thơ. Kín đáo hơn và lắt léo hơn phải là háo danh dựa vào yếu tố nước ngoài.

Thí dụ, móc nối với bà Tây hoặc ông Tây nào đó để in sách rồi trao giải thưởng có cái tên tiếng Anh, mới oách thực sự. Ở nhiều quốc gia, cá nhân tự lập nhà xuất bản và tự lập giải thưởng, chủ yếu để thu hoạch kinh tế. Nên vớ được mấy tay Việt háo danh phục vụ ngay. Chi phí in sách tác giả tự bỏ ra, còn giải thưởng là tờ giấy in ngoài tiệm photo, bà Tây hoặc ông Tây có mất mát gì đâu mà không ra tay ban phát danh hão. Khốn nỗi, cái danh hão kia có khi lại lòe được bao nhiêu độc giả hồn nhiên trong nước, rồi mai mốt xập xí xập ngầu còn ghi vào hồ sơ thành tích để xin khen thưởng nữa.

Cái danh thật đã vốn có trăm vẻ, nên thói háo danh cũng có ngàn vẻ. Thói háo danh ngớ ngẩn nhất thể hiện trên cái danh thiếp. Có cái danh thiếp phô diễn sự đa tài đa nghệ của chủ nhân bằng việc in chen chúc các tổ chức họ là thành viên, từ hội viên hội nhà văn, hội viên hội điện ảnh, hội viên hội sân khấu đến hội viên hội kế toán, hội viên hội khảo cổ, hội viên hội nuôi biển và cả hội viên hội mô tô, hội viên hội hoa lan, hội viên hội chọi gà...

Chưa hết, mỗi khi xuất bản ấn phẩm nào đó, cái bìa sách phải gánh chịu bao nhiêu kiểu phô trương “nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà điện ảnh, tiến sĩ mỹ học, giảng viên đại học”, hoặc “nhà khoa học vũ trụ, có tác phẩm được lưu trữ vĩnh cửu”. Kinh khủng hơn, có vị khi tham gia một hoạt động cộng đồng đã đùng đùng nổi giận bỏ về, vì MC giới thiệu mình đã quên mất một chức danh.

Khổ thân, cái tên mới quan trọng, chứ chức danh chỉ là phụ chú thôi, phụ chú càng nhiều cái tên càng ít trọng lượng. Những tài năng như Mozart, Charlie Chaplin, Michael Jackson, Trương Nghệ Mưu... chỉ cần nhắc cái tên công chúng đã biết họ cống hiến gì cho nhân loại, cần gì phụ chú.

Háo danh bằng cách tốn kém in sách để tự vỗ ngực “cánh đại bàng của nền thơ Việt đương đại”, chỉ là giải pháp của kẻ thân cô thế cô, bơ vơ và lạc lõng. Háo danh chuyên nghiệp phải có phe có nhóm, có diễn trò. Một khi đã háo danh có tổ chức, phải có kịch bản, có phân vai, có quy trình, có lớp lang. Khen qua khen lại để cùng kiếm danh. Ông A khen ông B là “nhà tiên phong gánh vác sứ mệnh đổi mới thi ca”, lập tức ông B khen lại ông A là “triết gia số một châu Á”.

Đáng ái ngại hơn, thói háo danh bằng cách táo tợn mạo danh từ những kẻ lọc lõi. Vì thừa biết thực trạng tiến sĩ ở Việt Nam nhiều như nấm sau mưa mà chẳng có công trình hữu ích cho cộng đồng, nên nhiều gã trọc phú cũng ngang nhiên tự xưng tiến sĩ mà không ai băn khoăn.

Đã tự xưng tiến sĩ trót lọt rồi, tiếp tục tự xưng giáo sư, rồi tiếp tục tự xưng viện sĩ. Có lắm quý ngài thỉnh thoảng chải chuốt láng mượt xuất hiện ở hội thảo hoặc hội nghị, với cái mác rất long trọng Tiến sĩ - Viện sĩ - Giáo sư, nhưng những người xung quanh đều mắt tròn mắt dẹt không rõ vị quan khách ấy có chuyên môn gì.

Nói đi phải nói lại, sở dĩ vấn nạn háo danh bùng nổ dữ dội cũng một phần do đám đông đã dễ dãi khi tiếp nhận thông tin. Có thể vì ngại va chạm, ngại mất lòng, muốn yên ổn quan hệ, muốn đón lõng cơ hội hợp tác, nên chẳng mấy ai có ý kiến thắc mắc hoặc có thái độ phản biện trước những danh xưng ngạo nghễ từ trên trời rơi xuống. Sự dung túng cho thói háo danh rất nguy hiểm, vì sẽ tạo ra sự lệch lạc chuẩn mực giá trị lẫn chuẩn mực đạo đức.

Khi vài gương mặt giải trí cũng bỏ tiền làm phim tiểu sử đánh bóng bản thân thuộc hàng xuất chúng, như Ngọc Trinh với “Vòng eo 56”, Đàm Vĩnh Hưng với “Hào quang rực rỡ”, càng thấy thấm thía mấy câu thơ Tú Xương (1870-1907) trào lộng: “Chúc cho khắp hết ở trong đời/ Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước/ Sao được cho ra cái giống người”.

Các tin khác