Không tìm được giải pháp khả dĩ trước các vấn đề khó khăn hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp niêm yết gần như buông xuôi trong mùa ĐHCĐ năm 2012.
Chờ “phép màu”
Với việc thua lỗ 2 năm liên tiếp (2010 và 2011), CTCP Container phía Nam (VSG) vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 27-3. Cũng như hầu hết doanh nghiệp vận tải biển, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ của VSG xuất phát từ hoạt động kinh doanh vận tải biển.
Theo ông Cáp Trọng Tuấn, Tổng giám đốc VSG, giai đoạn 2007-2008 đội tàu biển của VSG được đầu tư trên 31 triệu USD, trong đó vốn vay 24,72 triệu USD. Thời điểm đó, giá cước vận tải biển cũng như giá thuê tàu đang tăng mạnh, hoạt động kinh doanh vận tải biển có lãi cao nên giá mua tàu cũng cao.
Tuy nhiên, khi vừa mua tàu xong thì xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên giá cước và giá thuê tàu liên tục giảm. Theo tính toán, giá thuê tàu bình quân giai đoạn 2010-2011 giảm chỉ còn 45% so với giai đoạn 2007-2008.
Trong khi đó, các chi phí cho đội tàu hoạt động như dầu, nhớt, lãi vay, bảo hiểm tàu, sửa chữa không giảm mà ngày càng tăng cao khiến VSG càng lún sâu trong khó khăn. Ngoài yếu tố chính này, việc tỷ giá USD/VNĐ liên tục tăng (tăng 23% trong khoảng thời gian từ cuối năm 2008 đến cuối năm 2011) đã phát sinh thêm khoản chênh lệch tỷ giá năm 2010 là 4,8 tỷ đồng và năm 2011 là 14,2 tỷ đồng.
Với những yếu tố bất lợi này, dù hoạt động khai thác của VSG vẫn ổn định và có lãi cũng không thể bù đắp cho các khoản lỗ trong kinh doanh vận tải biển. Theo thống kê, VSG lỗ 40,6 tỷ đồng trong năm 2010 và 37,6 tỷ đồng trong năm 2011. Tuy nhiên VSG gần như bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn.
Thậm chí, mới đây HĐQT của VSG còn đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2012 với mức thua lỗ cao hơn, gần 60 tỷ đồng (tăng 58% so với năm 2011). Ngoài những giải pháp như tiết giảm chi phí có thể giảm được, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, cơ cấu lại hoạt động để khắc phục tình trạng thua lỗ, giờ đây VSG chỉ còn cách trông chờ vào “phép màu”. Đó là sự hồi phục của nền kinh tế thế giới và thị trường vận tải biến quốc tế.
Kế hoạch lợi nhuận “khủng”
Bị tác động bởi những khó khăn của nền kinh tế, năm 2011 nhiều doanh nghiệp niêm yết bị thua lỗ. Nhưng thay vì có cái nhìn sát với thực tế, nhiều doanh nghiệp lại đề ra những chỉ tiêu kế hoạch không tưởng trong mùa ĐHCĐ năm nay. Điển hình là CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM). Với kết quả kinh doanh năm 2011 lỗ hơn 183 tỷ đồng, CP SAM đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 21-3.
![]() |
ĐHCĐ nhiều doanh nghiệp niêm yết không đưa ra được giải pháp |
Trong công văn giải trình nguyên nhân thua lỗ, ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc SAM, đổ lỗi cho các yếu tố khách quan như: chủ trương thắt chặt đầu tư của Chính phủ, sự suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng mạnh… Trong khi đó thua lỗ của SAM có nguyên nhân lớn từ hoạt động đầu tư tài chính.
Cụ thể, trong năm 2011 SAM đã phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính hơn 196 tỷ đồng. Nếu không có khoản trích lập này SAM đã lời hơn 13 tỷ đồng.
Vì thế, nếu VSG tỏ ra thận trong khi đặt mục tiêu tiếp tục lỗ trong năm 2012, thì SAM lại “mạnh miệng” tuyên bố sẽ đạt con số lợi nhuận xấp xỉ 206 tỷ đồng cho dù tình hình kinh tế năm 2012 vẫn chưa mấy sáng sủa.
Theo giải thích của ông Trắc, chiến lược của SAM trong năm 2012 là cơ cấu lại toàn bộ danh mục đầu tư tài chính với trọng tâm là các khoản đầu tư mang tính chiến lược; đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường tiêu thụ; đưa vào sử dụng các dự án bất động sản.
Với chiến lược đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm dây và cáp, cổ đông và NĐT có thể tin được bởi đây là lĩnh vực hoạt động cốt lõi của SAM. Thế nhưng với lĩnh vực tài chính lại khó có thể tin tưởng tuyên bố trên của SAM, vì từ trước đến nay doanh nghiệp gần như thua lỗ trong hoạt động này.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, “đầu ra” đang là vấn đề nan giải của tất cả doanh nghiệp nên mục tiêu lợi nhuận mảng bất động sản 122 tỷ đồng của SAM rất khó thực hiện.
CTCK Âu Việt (AVS) cũng vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo vì khoản lỗ hơn 40,5 tỷ đồng năm 2011. Thế nhưng, ĐHCĐ thường niên năm 2012 được tổ chức ngày 2-3 vừa qua, AVS thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2012 với 25 tỷ đồng lợi nhuận.
Đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về mục tiêu kế hoạch này bởi AVS là CTCK nhỏ, thị phần môi giới thấp. Trong khi đó, các hoạt động đầu tư, tư vấn không có gì nổi bật, thậm chí năm 2011 AVS đã phải đóng cửa chi nhánh tại Hà Nội.