Mùa ĐHCĐ - Đến hẹn lại tăng vốn

HQC-Cỗ máy xay tiền

(ĐTTCO) - Như thường lệ, trong các tờ trình mùa ĐHCĐ, tăng vốn luôn nhận được sự quan tâm của các cổ đông do lo ngại khả năng pha loãng CP. Mùa ĐHCĐ năm nay đón nhận sự kiện đầu tiên trong lịch sử giao dịch có  một doanh nghiệp xin giảm vốn điều lệ.

HQC-Cỗ máy xay tiền

Tại ĐHCĐ của CTCP Tư vấn thương mại và Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) được tổ chức vào cuối tháng 3, tờ trình tăng vốn nhận được khá nhiều chất vấn từ cổ đông và nhận được tỷ lệ đồng thuận thấp nhất. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của HQC có những thay đổi khi tập trung mạnh mẽ vào phát triển dự án nhà ở xã hội tại TPHCM và các tỉnh như Cần Thơ, Nha Trang, Tây Ninh. Danh mục dự án HQC được phép triển khai cũng theo đó mở rộng khá nhanh. Tuy nhiên, theo nhiều NĐT, tính minh bạch tài chính và vấn đề quản trị của HQC có nhiều điểm rủi ro. Chẳng hạn HQC liên tục đưa vào các dự án được chấp thuận để đối ứng với các đợt tăng vốn lớn nhưng không có sự phân kỳ đầu tư phù hợp. Trong năm 2015, HQC phát hành thành công 63 triệu CP cho cổ đông và tiếp tục lên kế hoạch phát hành 173 triệu CP trong năm 2016.

Theo thống kê từ HOSE, trong quý I-2016, toàn sàn HOSE có 18 đợt phát hành CP tăng vốn điều lệ có thu tiền, với tổng số vốn tăng thêm đạt 6.080 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến cổ đông quan ngại về kế hoạch tăng vốn của HQC đến từ việc dòng tiền hoạt động liên tục âm trong những năm gần đây, với mức âm gần như tương ứng với số vốn huy động thêm. Chính vì vậy, nhiều NĐT đã ví von HQC hoạt động như cỗ máy xay tiền, bỏ vào bao nhiêu cũng thấy thiếu. Thực tế, nguồn tiền huy động được HQC nhanh chóng tạm ứng cho đơn vị liên doanh, liên kết, đơn vị thi công với quy mô lên đến 500-700 tỷ đồng chỉ trong 1-2 quý. Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2016 được xây dựng với doanh thu ở mức cao, nhưng cơ sở ghi nhận không thuyết phục do các dự án đều đang trong giai đoạn đầu xây dựng.

CTD - Tăng vốn vì tham vọng

Sau thời gian dài không tăng vốn, CTCP Xây dựng Cotec (CTD) đã trình kế hoạch tăng vốn tại ĐHCĐ năm 2016 vừa được tổ chức ngày 12-4. Giải thích về lý do tăng vốn, lãnh đạo CTD cho biết hướng tới mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2017 nên công ty sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua M&A, hoặc thành lập một số công ty mới trong chuỗi cung ứng liên quan đến ngành xây dựng, nhằm đạt mục tiêu đưa giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015. Để thực hiện hóa chiến lược này, CTD dự kiến phát hành tối đa 14,43 triệu CP cho 3-6 đối tác chiến lược, với giá chào bán tối thiểu bằng 80% bình quân giá tham chiếu CP CTD trong 20 phiên giao dịch liên tiếp gần nhất. Tổng số vốn huy động dự kiến khoảng 1.500-1.800 tỷ đồng nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế hoạch sử dụng vốn của CTD là dùng 600-700 tỷ đồng đầu tư trực tiếp, hoặc góp vốn hợp tác các dự án xây dựng, bất động sản, 300-400 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh và dự kiến chi 600-700 tỷ đồng để thành lập công ty mới hoặc M&A.

Dù hoạt động của CTD được đánh giá khá hiệu quả với doanh thu và lợi nhuận năm 2015 đạt lần lượt 13.836 tỷ đồng (tăng 78%) và 666 tỷ đồng (tăng 103%), nhưng mức tăng trưởng này khó có thể duy trì với triển vọng thị trường bất động sản trong 2-3 năm tới được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Đặc biệt, với quy mô doanh thu hiện tại của CTD rất lớn, để duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 20% là áp lực không nhỏ với CTD. Nay với kế hoạch tăng vốn được thông qua, khả năng duy trì EPS cổ tức cao như hiện nay (55% tiền mặt) của CTD không hề đơn giản trong những năm tới.

 Ngược dòng

Hiện tượng bất ngờ nhất tại mùa ĐHCĐ năm nay là kế hoạch giảm vốn điều lệ của CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC). Theo phương án HĐQT đã đưa ra, để giảm vốn điều lệ hơn 50,7%, từ gần 2.742 tỷ đồng xuống 1.350 tỷ đồng, IJC dự kiến chào mua công khai từ các cổ đông tối đa 139,1 triệu CP trong năm 2016. Trong đó, tỷ lệ chào mua tối đa với mỗi cổ đông là 50,76% số CP đang sở hữu. Giá mua tối đa 10.000 đồng/CP, tương đương số tiền dự kiến thực hiện gần 1.400 tỷ đồng. Theo giải trình từ IJC, mục đích của việc giảm vốn điều lệ do năm 2010 IJC thực hiện tăng vốn điều lệ từ 548 tỷ đồng lên 2.741 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cho các dự án bất động sản lớn tại thành phố mới Bình Dương, đồng thời chuẩn bị kế hoạch vốn đối ứng để đầu tư dự án BOT Quốc lộ 13 trên cao (vốn đầu tư 832 triệu USD). Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế kéo dài trong các năm qua, UBND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương không thực hiện dự án Quốc lộ 13 trên cao, chỉ tập trung cải tạo và mở rộng thêm 2 làn xe. Do vậy, IJC lên kế hoạch giảm vốn nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Theo IJC, nguồn tiền sử dụng để mua lại CP được lấy từ việc chuyển nhượng tài sản và các dự án. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới đầu tư, việc chuyển nhượng này không đơn giản, nhất là với các dự án có quy mô lớn ở thị trường Bình Dương. Ngược lại, nếu IJC có thể chuyển nhượng được các dự án bất động sản thuộc phân khúc cao cấp để có thể giảm vốn điều lệ, triển vọng của IJC trong tương lai sẽ lạc quan hơn, vì các dự án IJC thực hiện như Sunflower và PrinceTown không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Các tin khác