Mùa sim nhuộm tím Hoành Sơn

(ĐTTCO) - Đang là mùa sim chín nở rộ bên núi Đèo Ngang, bà con các xã Quảng Đông, Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Tiến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), rủ nhau đi hái sim từ sớm. 

 Sim đi hái trên núi Hoành Sơn từ 3 giờ sáng.
Sim đi hái trên núi Hoành Sơn từ 3 giờ sáng.

Mùa của kiếm sống

Từ 3 giờ sáng, trời thổi cơn gió nam ràn rạt, cũng là lúc những quả sim chín mọng nước căng tràn sương khí đất trời. Lúc này, chị Từ Thị Hoa cùng một tốp 25 phụ nữ trong thôn 2, xã Quảng Kim í ới gọi nhau dậy đi rừng.

Chị Hoa kể: “Nắng nóng khiến con người ngột ngạt, nhưng nắng nóng lại làm cho sim chín, mọng nước. Đây lại là lúc thương lái muốn mua, người đi lấy sim cũng thích vì bán được giá. Mùa hè, vùng Đèo Ngang nông nhàn, sim lại chín rộ, nên bà con, chị em lên rừng hái sim, đi từ quả đồi này sang quả núi khác, leo bộ cả nửa ngày kiếm thêm chút đỉnh để con cái có thêm tấm áo, cuốn vở, cái bút cho năm học mới”.

Gia đình chị Hoa có 2 mẹ con, mỗi ngày đi từ sáng sớm đến chừng 12 giờ trưa về, thương lái mua ngay bên chân núi, trung bình mỗi ký sim được 25.000 đồng, có ngày được 10 ký, nhận 250.000 đồng, có ngày được 15 ký được 370.000 đồng. “Bữa nào sim có giá 31.000 đồng/ký là hôm đó chúng tôi trúng mánh” - chị Hoa cười.

Sim chín rộ, đi đâu ở Hoành Sơn cũng thấy màu tím của quả sim nhuộm tím từng góc rừng. Quả sim hoang dại, nhưng nay là thứ nhiều người trong Nam ngoài Bắc thích ủ rượu, làm xi rô uống cùng đá thanh mát, đã giúp nhuộm tím nhiều hy vọng sống ở khu vực Đèo Ngang.

Cháu Phan Trà My (lớp 11, trường THPT Quang Trung, huyện Quảng Trạch), cho biết: “Mùa sim chín, bọn học trò chúng cháu theo các mẹ các dì lên núi hái sim. Cả tuổi thơ nhuộm màu sim tím. Mùa sim năm nay cháu cũng thu nhập được 5 triệu đồng rồi. Đây là số tiền lớn với vùng đất này, đỡ đần cho mẹ cha bớt lo cho cháu đi học”.

Mua-sim-2.jpg
Sim chín rộ vườn nhà dân.

Bên cạnh đó là Nguyễn Thị Thu Hiền, cùng trường với Trà My kể thêm: “Khu vực này đa số người làng khó khăn, may có mùa sim chín kiếm thêm, phụ giúp để theo đuổi con chữ, phụ vào việc nhà, nên ai cũng thích đi hái sim. Chúng cháu lên cấp 3, biết màu sim tím đi cả vào trong thơ ca, văn học. Về làng lên núi cái màu tím ấy rợp trời Hoành Sơn mà lại có tiền nên ưng ý lắm”.

Chuyển đổi trồng sim cho năng suất cao

Vì khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nên theo bà con địa phương, sim vùng Hoành Sơn được thương lái thu mua với giá tốt, nên ngoài việc đi hái sim trên núi, người dân trong vùng còn chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả, từ trồng keo, tràm sang trồng sim, cho hiệu quả cao gấp nhiều lần, thu nhập bền vững.

Sâu trong núi Hàm Quỷ, trang trại của gia đình ông Châu Văn Thi gầy dựng được hơn 10ha. Trước đây gia đình ông trồng keo tràm, hàng năm mỗi ha tràm cho thu nhập chỉ 10 triệu đồng, giờ đây khi chuyển đổi qua trồng sim, giá trị cao hơn.

“3 năm qua tôi chuyển đổi qua trồng sim vài ha, mỗi ký bán lúc có giá lên 31.000 đồng, thấp nhất mỗi ký 21.000 đồng. Tính ra cao gấp 3 lần trồng tràm, trong tương lai có thể gấp 5 lần hoặc hơn vì sim không cần chăm bón nhiều, nước tưới nhỏ giọt, chịu đựng khí hậu khắc nghiệt” - ông Thi hồ hởi chia sẻ.

Mua-sim-1.jpg
Thương lái thu mua sim chín dưới núi Hoành Sơn.

Ông Phan Thanh Nhàn, xã Quảng Tiến, cho biết, mỗi ha trồng keo bán ra, thu được 50 triệu đồng sau 5 năm. Trong khi trông sim sau 1 năm đã có tiền. Tính chi phí 1ha trồng sim cho thu nhập gấp khoảng 5 lần trồng keo. Ông Nhàn là người tiên phong trồng sim ở xã trung du Quảng Tiến từ năm 2015. Hiện gia đình ông có khoảng 35ha sim, tạo việc làm cho hàng chục người thu hái thời vụ, thu mua sim trong vùng để bán đi khắp nơi.

Trong khi đó, tại thôn Bưới Rỏi (xã Quảng Hợp), gia đình ông Nguyễn Ánh Ngọc đã chuyển đổi thành công 2ha rừng keo tràm kém năng suất sang trồng sim. “Cây sim cho thu hoạch mỗi vụ 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Cứ 2 ngày ra vườn hái một lần.

Chăm sóc không khó, khi cây không sinh trưởng tốt chỉ cần cắt cành nhánh, tưới nước đều, cây lại xanh tốt trở lại, năng suất cao như ban đầu mới trồng. Với 2ha sim vừa chuyển đổi, mỗi vụ cho gia đình tôi thu nhập hơn 70 triệu đồng, đó là số tiền lớn ở vùng khó khăn này” - ông Ngọc cho biết.

Mua-sim-5.jpg
Nhiều diện tích rừng kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng sim mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo người dân địa phương, xã Quảng Kim kề cạnh cũng có nhiều người dân chuyển đổi hàng chục ha rừng trồng kém hiệu quả sang trồng sim, bước đầu đưa lại thu nhập ổn định, hướng ra bền vững.

Bà Giã Thị Kim, một thương lái sim cho biết: “Sim tự nhiên bà con có bao nhiêu thu mua bấy nhiêu, sim rừng trồng cũng thế. Tôi thu mua sim mỗi ngày 4-6 tạ, có ngày không đủ để giao sim đi Hà Nội, TPHCM, vì lượng thương lái mua rất lớn. Bà con chuyển đổi từ rừng trồng tràm kém hiệu quả sang trồng sim, nên bây giờ các địa phương này, đi một vòng là thấy các vườn sim xanh tốt rất thích mắt”.

Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Bùi Hải Lưu cho biết: “Trên địa bàn xã có khoảng 35ha sim được người dân trồng và khoanh nuôi bảo vệ. Nhiều hộ có diện tích trồng và khoanh nuôi khá lớn, cho thu nhập 70 triệu đồng/vụ nhờ trồng sim. Cây sim hiện đang được xác định là một trong những giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, trong điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt vùng Hoành Sơn. Chúng tôi cũng đang khuyến khích bà con tận dụng diện tích đất bờ thửa bỏ hoang để trồng sim, dùng cây sim để trồng thành hàng rào, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa có thêm thu nhập".

Cùng đó, số diện tích đất nằm dưới đường dây 500kV rất lớn (khoảng 30ha), không thể trồng rừng và các loại cây trồng khác, xã cũng hướng dẫn, khuyến khích bà con trồng sim. "Tuy nhiên, cây sim chưa có giống ươm, bà con chủ yếu bứng từ rừng về. Vì vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo chỉ được bứng cây sim ở những nơi cho phép và tách tỉa từ những bụi sim trong vườn để làm giống, khai thác quá sẽ trở thành phá rừng”, ông Lưu nói.

Các tin khác