Mua tạm trữ, giá gạo vẫn bấp bênh

Trước khó khăn của nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013-2014, thực hiện từ ngày 15-3 đến hết 30-4 tới. Tuy nhiên, chính sách mua tạm trữ lúa gạo đã bộc lộ nhiều bất cập.

Trước khó khăn của nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013-2014, thực hiện từ ngày 15-3 đến hết 30-4 tới. Tuy nhiên, chính sách mua tạm trữ lúa gạo đã bộc lộ nhiều bất cập.

Lẽ thường của thị trường?

Điểm đáng chú ý của thị trường lúa gạo thời gian qua, dù triển khai chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo nhằm góp phần bình ổn thị trường, giảm thiệt hại cho nông dân, nhưng ngay trong thời điểm diễn ra thu mua tạm trữ, giá lúa, gạo vẫn “nhảy múa” trên thị trường.

Lý giải nguyên nhân này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo do Bộ NN-PTNT được giao chủ trì, Bộ Công Thương chỉ phối hợp thực hiện. Tính đến nay, theo báo cáo từ các địa phương đã thu mua được 50% khối lượng dự kiến.

“Trong quá trình thu mua trên thị trường vẫn xảy ra tăng giảm giá do chương trình thu mua tạm trữ chỉ là một biện pháp nhằm hỗ trợ về giá, bình ổn thị trường, không thể kiểm soát hoàn toàn được thị trường. Theo quy luật thị trường, việc giá tăng, giảm là bình thường. Mặc dù cơ quan chức năng cố gắng hết sức, nhưng hiệu quả của chương trình này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố khách quan” - ông Hải nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao hàng gạo xuất khẩu từ ngày 1 đến 31-3 đạt 583.294 tấn, trị giá FOB 256,184 triệu USD, trị giá CIF 259,522 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến 31-3 đạt hơn 1,2 triệu tấn, trị giá FOB 529,8 triệu USD, trị giá CIF 573 triệu USD. VFA cũng cho biết tính đến hết tuần đầu tháng 4, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động 5.200-5.300 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.500-5.600 đồng/kg.

So với giá gạo cuối tuần trước, hiện các loại gạo có mức biến động như sau: Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 6.900-7.000 đồng/kg tùy từng địa phương, mức giá này đã giảm 100 đồng/kg so với cuối tuần trước. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm 6.700-6.800 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương, giữ giá so với tuần trước. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì khoảng 7.850-7.950 đồng/kg, giữ giá tuần trước. Gạo 15% tấm 7.600-7.700 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Còn gạo 25% tấm khoảng 7.300-7.400 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương, giữ giá. Trên thị trường xuất khẩu, giá theo niêm yết trên Trang tin Giá gạo Toàn cầu (Oryza) chiều 12-4, gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu giá dao động 380-390USD/tấn.

Cần chủ trương tạm trữ lúa gạo trước

Mua tạm trữ, giá gạo vẫn bấp bênh ảnh 2Để xảy ra tình trạng được mùa, rớt giá, trách nhiệm có phần của Bộ Công Thương. Dù cố gắng, Bộ Công Thương cũng chưa làm hết được theo yêu cầu trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Mua tạm trữ, giá gạo vẫn bấp bênh ảnh 3

Ông Vũ Huy Hoàng,
Bộ trưởng Bộ Công Thương

Từ khi chủ trương thu mua tạm trữ được thực hiện, giá lúa gạo đã có những dấu hiệu ổn định hơn nhưng mục tiêu làm cho nông dân có lãi 30% vẫn chưa thực hiện được. Người nông dân ĐBSCL vẫn canh cánh nỗi lo rớt giá ngay trong đợt tạm trữ. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và nhiều địa phương khu vực ĐBSCL, mỗi khi giá gạo xuất khẩu tăng hay giảm nông dân đều thiệt. Vì vậy đã nhiều lần các địa phương ở ĐBSCL kiến nghị Chính phủ được chủ động trong thu mua tạm trữ để tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp định hướng trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa.

Thực tế, đến thời điểm này đã hơn nửa tháng triển khai chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo nhưng tại Cần Thơ, các doanh nghiệp chỉ tiến hành thu mua tạm trữ đạt 40%; Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu 174.000 tấn quy gạo nhưng thu mua mới đạt gần 42.000 tấn, đạt tỷ lệ 24%.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết nhiều địa phương có sản lượng lúa lớn như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang chỉ tiêu mua tạm trữ được phân bổ rất ít. Vì thế, cần điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Theo nhiều lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, tạm trữ cần có sự phối hợp giữa VFA với các tỉnh, đặc biệt các tỉnh có sản lượng lương thực lớn để giao chỉ tiêu cho phù hợp.

Bên cạnh đó, khuyến khích giao chỉ tiêu tạm trữ đồng bộ với chỉ tiêu xuất khẩu lương thực tập trung Chính phủ và Bộ Công Thương đã ký. Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp có làm cánh đồng lớn được tạm trữ và giao chỉ tiêu xuất khẩu. Như thế sẽ đồng bộ và thực hiện Quyết định 62 có cơ sở hơn.

Có thể nói, việc mua tạm trữ lúa gạo chỉ là biện pháp tình thế khi lượng cung lớn hơn lượng cầu trong ngắn hạn. Nhưng trong tình hình xuất khẩu gạo khó khăn như hiện nay việc mua tạm trữ không giải quyết được vấn đề, thậm chí còn làm doanh nghiệp vất vả hơn.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, chương trình mua tạm trữ lúa gạo những năm về trước đã phát huy tác dụng, giúp nông dân có lãi. Nhưng kể từ năm 2012, tính hiệu quả của chương trình này đã mất dần.

"Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tạm trữ trước. Đến thời điểm thị trường các nước tung ra quá nhiều gạo như Thái Lan và Trung Quốc tìm cách ép giá, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quyết định mua tạm trữ. Cũng không nhất thiết mua tới 1 triệu tấn mà có thể mua ít hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, điển hình ở vựa lúa khu vực ĐBSCL cần được tổ chức lại toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó, để tất cả tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị này đều có tiếng nói trong việc quản lý thị trường. Trước mắt phải có chiến lược về thị trường tiêu thụ, rồi sau đó mới phát triển sản xuất” - ông Phong kiến nghị.

Các tin khác