Diễn biến thời tiết nổi bật trong nửa đầu tuần ở Tây Nguyên và Nam bộ là mưa dông. Từ thứ tư (ngày 15-4) mưa giảm dần; thứ năm (ngày 16-4) hầu như không mưa, nhiệt độ tăng nhanh trở lại tại Nam bộ.
Từ chiều 12 đến sáng 13-4, khu vực miền Trung xuất hiện các đợt mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to góp phần giải hạn cho cây trồng sau gần nửa năm khô hạn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, ảnh hưởng của không khí lạnh nên các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Tại Thừa Thiên - Huế từ 13 giờ ngày 12-4 đến 7 giờ ngày 13-4, lượng mưa phổ biến 21-115mm. Ngoài một số diện tích lúa đông xuân thời kỳ thu hoạch đổ ngã thì đây được xem là trận mưa giải hạn cho cây trồng và hoa màu sau thời gian dài hạn hán cũng như giảm các nguy cơ gây cháy rừng sau nhiều tháng khô hạn; bổ sung đáng kể nguồn nước tưới tích trữ cho các hồ đập, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như phục vụ phát điện. Mưa lớn rơi đúng thời điểm góp phần tăng dòng chảy, đẩy độ mặn ở các cửa sông.
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Trung Trung bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trong ngày 13-4 tỉnh Quảng Bình có mưa vài nơi, các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa rải rác; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa đến mưa to và dông. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt gió mùa này ở các tỉnh Quảng Bình đạt 17-19 độ C, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đạt 18-20 độ C; các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đạt 20-22 độ C.
Sáng 13-4, cơn mưa “vàng” đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Theo đó, khoảng 9 giờ cùng ngày, xuất hiện cơn mưa trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Lượng mưa lớn, kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ làm mát dịu bầu không khí sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài.