Kết quả khảo sát MOBI 2020 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương chưa có cải thiện so với MOBI 2019. Vẫn còn nhiều đơn vị chưa công khai hoặc chưa công khai đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.
Điểm trung bình MOBI 2020 là 21,64 điểm, tương đương với điểm trung bình MOBI 2019.
Trong xếp hạng MOBI 2020, Bộ Tài chính có thứ hạng cao nhất với 66,63 điểm quy đổi, xếp hạng công khai ở mức tương đối đầy đủ. Xếp thứ hai là Bộ Tư pháp với 48,41 điểm quy đổi.
Có 27 cơ quan, tổ chức trên tổng số 44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2020 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 61,36%), tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2019. Tuy nhiên, vẫn còn có tới 17 Bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (tương đương với 38,64%).
Điều này đã phản ánh các Bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 19 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2021, chỉ có 6 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31-12-2020.
Đối với tài liệu về Quyết toán ngân sách năm 2019, có 9 trên tổng số 16 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định. Các tài liệu còn lại gồm Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020 chỉ được công khai đúng hạn bởi lần lượt 4, 4 và 3 đơn vị. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2020.
Đồng thời, các tài liệu ngân sách được công khai chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư 90/2018/TT-BTC, còn thiếu báo cáo thuyết minh hoặc không đầy đủ nội dung của các bảng biểu.
Trong số 27 đơn vị có công khai ít nhất một trong sáu tài liệu ngân sách, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp vẫn là hai đơn vị dẫn đầu về tính đầy đủ của các tài liệu ngân sách. Xếp ở vị trí thứ ba là Bảo hiểm xã hội Việt Nam với 20,93 điểm quy đổi.