Mục tiêu khống chế quảng cáo?

Tuần này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tiếp tục được trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuần này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tiếp tục được trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh tranh cãi về việc nên giảm mức thuế TNDN phổ thông từ 25% xuống 23% hay 20%, quy định về khống chế trần chi phí quảng cáo của doanh nghiệp cũng là vấn đề được quan tâm trong dự luật quan trọng này.

Theo dự thảo luật mới nhất, phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (gọi chung là chi phí quảng cáo) nếu muốn trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp thì phải không vượt quá 15% tổng số chi (hiện hành là 10%).

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc khống chế chi phí quảng cáo nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Bởi với tiềm lực tài chính mạnh, doanh nghiệp FDI sẽ có nhiều điều kiện thực hiện quảng cáo, khuyến mại hơn doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, quan điểm này tiếp tục gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp tại các diễn đàn, hội thảo được tổ chức gần đây. Trên thực tế từ nhiều năm qua, nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp tục khống chế trần chi phí quảng cáo là bất hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi nền kinh tế phát triển, cạnh tranh trên thị trường tăng lên đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào nghiên cứu, công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm giá bán sản phẩm. Doanh nghiệp còn phải đầu tư mạnh vào các khâu quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, giới thiệu thông tin về sản phẩm... hay còn gọi là marketing nếu không muốn bị tụt hậu.

Ý thức được vai trò của quảng cáo với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, các đơn vị đang chi nhiều hơn cho hoạt động này. Số liệu của Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, song chi phí cho quảng cáo năm 2011 đã tăng gần gấp 2 lần năm 2008.

Cũng nhờ tăng chi cho quảng cáo, mở rộng thị trường, nên doanh thu của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu nói giữ trần khống chế chi phí quảng cáo để bảo vệ doanh nghiệp trong nước thì chưa hẳn đã đúng, vì thực tế cho thấy dù đang khống chế ở mức trần 10% nhưng doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể áp đảo quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Dù lý lẽ nào thì cũng có thể nhận thấy nguyên nhân khiến cơ quan soạn thảo chưa muốn dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo chính là lo ngại hụt thu ngân sách.

Theo tính toán của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, việc khống chế đối với chi phí quảng cáo và khuyến mại làm cho chi phí thuế thực của doanh nghiệp tăng lên trung bình khoảng 42-80% so với chi phí thuế danh nghĩa tùy trường hợp (khoản chi quảng cáo và khuyến mại càng cao so với tỷ lệ doanh thu thì mức tăng chi phí thuế thực càng lớn).

Điều này cũng có nghĩa là nếu dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, ngân sách sẽ giảm một phần thu đáng kể từ thuế TNDN. Thế nhưng, đây sẽ là một điểm hạn chế lớn ảnh hưởng tới quá trình đưa ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc phải lựa chọn giữa lợi ích được kỳ vọng trong tương lai (khi doanh nghiệp giảm mức thuế phải nộp, và dùng tiền đó tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh), và khoản thuế thu được khi tiếp tục giữ trần chi phí quảng cáo (nhưng lại hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp) là bài toán mà cơ quan làm luật phải tính kỹ.

Nhưng cũng nên nhớ rằng, dù khống chế trần chi phí thì doanh nghiệp vẫn có cách lách luật. Với cách quản trị thiếu minh bạch như hiện nay, hóa đơn chứng từ chưa hẳn đã phản ánh đúng chi phí thực của doanh nghiệp.

Kiến nghị về dỡ trần chi phí quảng cáo đã được đưa ra cách đây 14 năm. Nay việc nới mức trần này từ 10% lên 15% có thể xem là một bước tiến bộ trong tư duy quản lý, nhưng lại chưa triệt để so với thực tiễn. Kết quả khảo sát khoảng 50 nước trên thế giới cho thấy chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị.

Tuy nhiên, mức khống chế này của Trung Quốc là 15% trên tổng doanh thu hàng năm. Thậm chí, một số ngành (mỹ phẩm, dược, đồ uống giải khát) được phép khấu trừ tối đa 30% doanh thu hàng năm.

Số vượt mức khống chế có thể được chuyển sang khấu trừ vào các năm tiếp theo. Tình trạng này làm cho Việt Nam được xem là "một mình một chợ" trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Các tin khác