Muôn kiểu chống đối, tránh né của các 'ma men'

(ĐTTCO) - Theo lực lượng CSGT, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, kiểm tra nồng độ cồn các chủ phương tiện, lực lượng chức năng đã gặp nhiều khó khăn do các hành vi chống đối.

Khởi tố nhiều tài xế

Trong hàng loạt các hành vi chống đối của người tham gia giao thông khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có nhiều hành vi đến mức phải xử lý hình sự. Một số vụ việc chống đối thời gian qua cho thấy, bất kể cá nhân đó là ai đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 10-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Trung Dũng (thường gọi là Dũng Salom) về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Dũng được xác định không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng, còn có hành vi, thái độ, lời nói phản cảm, xúc phạm, bôi nhọ làm mất uy tín, đưa ra nhiều yêu cầu trái các quy định, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT thuộc các đơn vị của Cục CSGT, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đang làm nhiệm vụ tại đường Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng.

Hay như vụ việc Nguyễn Đức Hiếu (18 tuổi, trú ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) khi bị kiểm tra nồng độ cồn đã cố tình bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng công an, từ đó gây ra tai nạn làm Trung tá Đặng Xuân Hoàn (Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hải Dương) bị trọng thương.

Ngay sau đó, Hiếu bị khống chế đưa về trụ sở Công an TP Hải Dương làm việc. Tại đây, khi kiểm tra, Hiếu vi phạm nồng độ cồn mức 0,375mg/lít khí thở. Hiếu hiện đang bị tạm giữ để điều tra.

Một người đàn ông ở Tiền Giang rút ống dẫn xăng dọa đốt xe khi bị CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn. Ảnh: NGỌC PHÚC

Một người đàn ông ở Tiền Giang rút ống dẫn xăng dọa đốt xe khi bị CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn. Ảnh: NGỌC PHÚC

Tại các tỉnh phía Bắc, lực lượng của Cục CSGT phối hợp công an các địa phương thời gian qua liên tục ra quân, đẩy mạnh kiểm soát các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và phát hiện thêm những cán bộ vi phạm nồng độ cồn.

Điển hình, ngày 28-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Ngọc (cán bộ ngân hàng) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”. Ông Lê Ngọc trước đó khi bị kiểm tra nồng độ cồn đã không chấp hành, có nhiều lời nói không đúng mực và đấm vào ngực CSGT.

Mới đây, vào đêm 22-9, Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện Thiếu tá P.V.L. (Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Gò Công Tây) điều khiển ô tô BKS 63A-153.09 lưu thông trên quốc lộ 50 (hướng TP Mỹ Tho về thị xã Gò Công) có nồng độ cồn trong cơ thể ở mức 0,54 miligam/ lít khí thở đã gây tai nạn tại đèn đỏ (nút giao quốc lộ 50 và đường huyện 25C, thuộc huyện Chợ Gạo), vụ việc đang được Công an tỉnh Tiền Giang điều tra, xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT) cho biết, từ ngày 30-8 đến 5-10-2023, 6 tổ công tác đặc biệt của Cục CSGT phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ tại 45 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Các tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát hơn 150.000 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an địa phương xử lý hơn 5.200 trường hợp vi phạm. Trong đó liên quan đến nồng độ cồn có hơn 5.000 trường hợp, 44 tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng bước đầu làm rõ có 192 trường hợp vi phạm là đảng viên, cán bộ đang công tác tại các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang.

"Chỉ thị số 23 ngày 9-7-2023 của Ban Bí thư về đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mới là sự kế thừa, bổ sung và phát triển quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các giai đoạn trước đây, phù hợp với tình hình mới. Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trong cả 5 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Mục tiêu là phải kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường"

Phó Thủ tướng

TRẦN LƯU QUANG,

Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, những trường hợp này ngoài bị xử lý vi phạm hành chính, các tổ công tác CSGT sẽ gửi thông tin vi phạm về các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định. Đặc biệt, công an các tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương có những chỉ đạo kịp thời về không can thiệp vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn.

Việc tấn công mạnh vào hành vi vi phạm nồng độ cồn, theo đại diện Cục CSGT là nhằm tạo chuyển biến tích cực tình hình. Ngoài việc kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông, lực lượng chức năng còn kiểm tra chéo với lực lượng CSGT, xử lý vi phạm với tinh thần “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”.

Di chứng từ các vụ tai nạn

Thời gian qua, xã hội đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do người đã uống rượu bia mà còn lái xe. Theo một vị lãnh đạo ngành CSGT, nồng độ cồn sẽ gây ức chế thần kinh, do đó người điều khiển phương tiện giao thông không kiểm soát được tốc độ, hạn chế tầm nhìn quan sát, không kịp thời xử lý khi có tình huống, không đi đúng làn đường quy định nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Hầu hết các vụ tai nạn liên quan đến rượu bia đều ở mức độ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Tỷ lệ thương tích, tử vong khi xảy ra tai nạn do sử dụng rượu bia cũng rất cao. Đặc biệt, đa số người vi phạm nồng độ cồn ở độ tuổi lao động, nhiều người là lao động chính trong gia đình. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, hệ lụy không chỉ gây thương tích, tật nguyền, di chứng mà còn kéo theo sự ảnh hưởng kinh tế, cuộc sống, tương lai của người đó.

Ông Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, kể một câu chuyện rất đau lòng về tai nạn giao thông mà người vi phạm và tử vong là bí thư đảng ủy một xã. Hôm đó, nhân ngày giỗ cha ruột, anh này uống khá nhiều và lái xe về, sau đó tông thẳng vào đầu xe tải chạy ngược chiều và tử vong. Sự việc rất đau lòng vì anh là con trai duy nhất trong gia đình.

Tại Bình Định, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết: Vụ tai nạn giao thông của anh Nguyễn Văn Hướng (SN 1990, thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão, Bình Định) rất thương tâm, để lại hệ lụy rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Chiến kể, chiều tối 9-4-2023, anh Hướng điều khiển mô tô 77H6-6264 hướng từ thị xã Hoài Nhơn - An Lão thì bất ngờ xảy ra va chạm với ông Lê Đức Khoa (SN 1979 ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) đi chiều ngược lại. Anh Hướng bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

Trong vụ việc, cảnh sát phát hiện ông Khoa có nồng độ cồn trong hơi thở. Hiện anh Hướng đã điều trị bình phục trở về nhà, nhưng tâm trí anh này không còn tỉnh táo nữa. “Gia đình ông Hướng cũng rất khó khăn, bố thì mới mất còn mẹ già chẳng thể làm việc gì để chăm lo cuộc sống. Trong khi đó, bản thân ông Hướng do di chứng từ vụ tai nạn nên không thể lấy vợ sinh con và cũng chẳng làm ăn được gì".

Trong số người vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, cán bộ, có người giữ vị trí lãnh đạo, như Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP Bắc Giang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Bắc Giang; Phó trưởng Công an TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Trưởng Công an phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội); Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự tại TPHCM; cán bộ Chi cục Thuế khu vực Bến Cát, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương).

Một số cán bộ thuộc tỉnh Đắk Lắk như Giám đốc Bưu điện TP Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện Ea Kar, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ea Kar, Giám đốc Trạm Đăng kiểm số 4703D và cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk.

Các tin khác