Muốn nâng hạng thị trường phải tháo được 'nút thắt'

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống tài chính nói riêng và kinh tế nói chung.
Nâng hạng TTCK mới thu hút được dòng vốn ngoại.
Nâng hạng TTCK mới thu hút được dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để TTCK “minh bạch hóa” và “chuyên nghiệp hóa”.

PHÓNG VIÊN: - Việc nâng hạng TTCK sẽ đem lại lợi ích như thế nào, thưa ông?

TS. CẤN VĂN LỰC: - TTCK với vai trò là kênh dẫn vốn và đầu tư trung - dài hạn của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) và ngày càng trở nên quan trọng trong hệ thống tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng thu hút dòng vốn từ NĐT nước ngoài còn phụ thuộc vào thanh khoản, chất lượng, hiệu quả của thị trường.

Để thực hiện việc này, các NĐT quốc tế có xu hướng dựa vào sự đánh giá của các tổ chức chuyên thực hiện xem xét, đánh giá, xếp hạng thị trường như FTSE và MSCI, để cân nhắc ra quyết định đầu tư. Do đó, nếu được các tổ chức này nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, tác động rõ ràng nhất là TTCK Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn, ổn định và đa dạng hơn từ NĐT nước ngoài.

Thông thường, các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ sẽ ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi, vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với thị trường cận biên. Do đó, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm lượng lớn nguồn vốn đầu tư trung - dài hạn.

Hiện nay, các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động như ETFs (thường tập trung vào các thị trường mới nổi) sẽ tự động phân bổ một phần nguồn vốn vào các thị trường được nâng hạng, chỉ dành tối đa 2-3% nguồn vốn vào các thị trường cận biên.

Và như vậy buộc TTCK phải cải thiện nhiều điều kiện như tính minh bạch thông tin, khung thể chế, cơ chế, điều kiện giao dịch. Từ đó, trong quá trình xem xét nâng hạng, sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức xếp hạng cũng giúp các nhà quản lý khắc phục được những hạn chế, qua đó thúc đẩy sự hiệu quả trong hoạt động. Việc TTCK phát triển cũng sẽ giúp hệ thống tài chính Việt Nam phát triển đồng đều, cân bằng hơn và DN cũng sẽ có kênh huy động vốn, NĐT có thêm kênh đầu tư trung - dài hạn đáng tin cậy, tạo động lực tăng trưởng kinh tế nói chung.

Việt Nam cần thay đổi các văn bản pháp lý liên quan, như Pháp lệnh ngoại hối có hiệu lực từ tháng 6-2013, Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng tự do hóa hơn, giảm thiểu các quy định, hạn chế với các giao dịch ngoại hối, hoạt động chuyển tiền ra và vào Việt Nam.

- Để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng trước năm 2025 của Chính phủ theo Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến 2020, định hướng đến 2025”, cần thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?

- Theo tôi, trong những tháng cuối năm 2023 và 2024, Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề về thanh toán, quan trọng nhất là việc loại bỏ yêu cầu NĐT phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh (theo Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Thay vào đó là yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu như thông lệ tại các thị trường phát triển. Việc này cần được hoàn thành trong năm 2024 (FTSE công bố định hạng 2 lần trong năm vào tháng 3 và tháng 9), Việt Nam mới có thể hoàn thành mục tiêu nâng hạng của mình.

Việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của MSCI, trong ngắn hạn, ngoài việc xử lý vấn đề về thanh toán nêu trên, một số giải pháp khác cần được sớm thực hiện, gồm: (i) các quy định, văn bản pháp lý về TTCK cần được công bố bằng tiếng Anh để NĐT nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận.

Tương tự, cần có quy định yêu cầu DN niêm yết bổ sung công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh; (ii) các DN niêm yết cần tuân thủ tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Bộ Tài chính cũng cần có hướng dẫn và lộ trình đáp ứng cụ thể; (iii) phát triển hạ tầng thanh toán bù trừ, sớm triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi và giao dịch ứng tiền trước; (iv) cải thiện khả năng chuyển nhượng thông qua việc cắt giảm thủ tục; (v) nghiên cứu và sớm triển khai các sản phẩm, dịch vụ như cho vay chứng khoán và bán khống trên thị trường Việt Nam.

- Hiện 2 vướng mắc khi nâng hạng TTCK được quan tâm nhiều nhất là sở hữu nước ngoài và khả năng tự do hóa thị trường ngoại hối, theo ông cần những giải pháp gì để tháo gỡ?

- Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ thực hiện theo các quy định sau: (i) điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên; (ii) theo quy định tại pháp luật của từng ngành nghề cụ thể; (iii) theo quy định tại danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với NĐT nước ngoài, trường hợp không quy định cụ thể, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ; (iv) các trường hợp khác tỷ lệ sở hữu nước ngoài không hạn chế…

Như vậy, có thể xác định vấn đề sẽ nằm ở những ngành nghề có quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài và những ngành nghề thuộc danh mục hạn chế tiếp cận thị trường, bởi những trường hợp khác đang thực hiện theo thông lệ quốc tế hoặc không có hạn chế. Vì thế, muốn giải quyết vấn đề về sở hữu nước ngoài, Việt Nam sẽ cần thay đổi các quy định với từng ngành nghề, cũng như rà soát lại danh mục những ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với NĐT nước ngoài.

Về vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối, theo các đánh giá của MSCI, tiêu chuẩn về tự do hóa thị trường ngoại hối là một đồng tiền có khả năng tự do chuyển đổi, bao gồm một thị trường tiền tệ có thể giao dịch với nước ngoài đang hoạt động. Đây là những yếu tố Việt Nam chưa đáp ứng được.

Lý do, đồng VNĐ chưa tự do chuyển đổi bởi các giao dịch thanh toán và chuyển ngoại tệ đến/đi hay trong nước đều chịu sự kiểm soát. Hay khả năng chuyển đổi VNĐ sang các đồng tiền khác và ngược lại cũng không phải dễ dàng, nhiều khi phải thông qua ngoại tệ “thứ ba”. Việc thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài cũng gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ VNĐ sang ngoại tệ khác của các NĐT nước ngoài.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác