Theo trang DVIDS, tàu khu trục USS Ralph Johnson được triển khai thực hiện các hoạt động an ninh biển và hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuy nhiên, trang này không nói rõ USS Ralph Johnson hoạt động gần thực thể nào trong quần đảo Trường Sa.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Hạm đội 7 cho biết hoạt động tự do hàng hải hôm 14/7 của Hải quân Mỹ là để nhằm duy trì các quyền, tự do trên các vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận.
"Chừng nào một số quốc gia còn tiếp tục tuyên bố và đòi hỏi giới hạn đối với các quyền vượt quá thẩm quyền của họ theo luật pháp quốc tế, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và tự do của vùng biển được bảo đảm cho tất cả các bên. Bất cứ thành viên nào trong cộng đồng quốc tế không nên bị đe dọa hoặc chèn ép dẫn đến việc bị ép buộc từ bỏ các quyền và tự do của họ", tuyên bố của Hạm đội 7 nhấn mạnh.
Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông điệp chỉ trích hành vi "bắt nạt" các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc và khẳng định hầu hết yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trên Biển Đông là "trái pháp luật". Tuyên bố này được đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ đấu tranh vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở rộng và hiện đang tăng cường chính sách của mình đối với một phần quan trọng và gây tranh cãi trong khu vực Biển Đông.
Mỹ muốn làm rõ một điều rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.
Tại khu vực Biển Đông, Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.
Sau tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ bác hầu hết yêu sách phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng Washington đang "bóp méo sự thật" và phóng đại tình hình ở Biển Đông nhằm gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước khác.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc đã không đề cập đến thực tế rằng, yêu sách "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ trong phán quyết năm 2016. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ không thi hành phán quyết này.