Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter: "Chúng tôi không chịu bất kỳ sức ép nào về việc phải có được một thỏa thuận với Trung Quốc. Chính họ mới chịu sức ép phải tạo ra thỏa thuận với chúng tôi. Các thị trường của chúng tôi đều đang tăng cao, trong khi thị trường của họ đang sụp đổ. Chúng tôi sẽ sớm thu về hàng tỷ USD tiền thuế và sản xuất sản phẩm nội địa..."
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc vừa công bố kết quả một cuộc thăm dò được công bố cùng ngày cho thấy, đa số các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã bị tác động mạnh sau những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới.
Cuộc thăm dò do tiến hành từ ngày 29/8-5/9 đối với hơn 430 công ty Mỹ hoạt động tại cường quốc châu Á này. Theo đó, hơn 60% các công ty cho biết lợi nhuận và nhu cầu của khách hàng sụt giảm do hai nước áp thuế trả đũa lẫn nhau.
Bên cạnh đó, khoảng 74,3% các công ty nói rằng sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong khi khoảng 67,6% số ý kiến bày tỏ tâm lý bi quan tương tự nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Ngoài ra, hơn 52% các công ty trên cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang “gây khó dễ” cho họ bằng nhiều biện pháp như thủ tục thông quan chậm, thanh tra gắt gao, hành chính quan liêu.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc William Zarit cảnh báo chính quyền Mỹ đang đối mặt với nguy cơ rơi vào "vòng xoáy" của cuộc chiến thương mại với những đòn "công kích và đáp trả," vốn không đem lại lợi ích cho bên nào.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại chưa có lối thoát nhiều tháng qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, kéo theo các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
Tuần qua, ông Trump cảnh báo "sẽ sớm" đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Trước tình hình này, các công ty Mỹ tại Trung Quốc đã cân nhắc phương án rời khỏi nước này và chuyển sang các nước khác ở châu Á.
Cụ thể, có khoảng 30% số hãng đang xúc tiến chuyển chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc và một tỷ lệ tương ứng các hãng đã hủy các dự án đầu tư.
Tương tự, theo khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đối với gần 200 hãng châu Âu tại nước này, 17% số các công ty dã hủy dự định đầu tư thêm và mở rộng hoạt động.