Trong khi đó, cơn bão Mangkhut với sức gió 240 km/giờ cũng dự báo đổ bộ vào Philippines ngày 15-9 và sau đó là phía Nam Trung Quốc, đe dọa gây thiệt hại lớn.
Người dân Mỹ sơ tán tránh bão Florence
Mỹ sơ tán tránh bão
Theo Reuters, bão Florence không còn được coi là một cơn bão lớn nhưng vẫn đe dọa đến cuộc sống và tài sản. Sức gió mạnh tối đa của bão vào ngày 13-9 đạt 175 km/giờ, giảm so với mức trước đó là 222km/giờ (tức giảm từ cấp 4 xuống cấp 2). Thống đốc bang North Carolina Roy Cooper nói trong một cuộc họp báo: “Thời gian để chuẩn bị gần như kết thúc”, đồng thời kêu gọi những người chưa sơ tán đừng chần chừ mà ảnh hưởng đến sinh mạng của chính mình.
Bờ biển phía Đông nước Mỹ có thể sẽ có sóng cao 4m khi bão Florence tràn vào, lượng mưa từ 51cm đến 76cm tại bang North Carolina. Mưa và lũ lụt sẽ đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều ngày. Mưa lớn đã được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các bang Alabama, Tennessee, Kentucky và West Virginia. Chỉ riêng bang North Carolina sẽ có hàng chục ngàn ngôi nhà và công ty có thể bị ngập lụt. Thống đốc bang Georgia Nathan Deal đã ban hành tình trạng khẩn cấp cho tất cả 159 quận trong bang. Tuyên bố tương tự đã được thực hiện trước đó ở các bang North và South Carolina, Virginia, Maryland và quận Columbia (nơi có thủ đô Washington). Hơn 1 triệu người đã được lệnh di tản ở các bang Carolina và Virginia. Các nhà chức trách ở bang North Carolina cho biết gần 7.000 người đã sơ tán vào 71 trại tạm trú trên toàn bang.
Theo ước tính của Trung tâm dự báo thời tiết Mỹ, có khoảng 10 triệu người sống trong các khu vực dự đoán bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của bão Florence. Hơn 2.700 binh sĩ vệ binh quốc gia sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Việc dự trữ thức ăn, dựng lều trại, chuyển đổi các lộ trình giao thông tránh bão và bảo vệ 16 lò phản ứng hạt nhân ở 2 bang North và South Carolina và Virginia đã được thực hiện. Tất cả 7 tuyến phà ở bang North Carolina đều bị đóng cửa. Theo đánh giá, bão Florence có thể gây thiệt hại kinh tế lên đến 60 tỷ USD cho 2 bang Noorth và South Carolina. Trong năm 2017, Mỹ cũng thiệt hại với 3 cơn bão Harvey (thiệt hại 125 tỷ USD), Maria (90 tỷ USD) và Irma (50 tỷ USD).
Mangkhut đe dọa
Trong khi đó, các nước tại khu vực Đông và Đông Nam Á cũng đang khẩn cấp sơ tán khi cơn bão Mangkhut tiến sát về bờ biển Philippines. Khoảng 12.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực thấp của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hiện siêu bão Mangkhut đang tập hợp sức mạnh khi tiến gần phía Bắc Philippines. Cơn bão được dự kiến sẽ đổ bộ vào đảo Luzon ngày 15-9 với tốc độ gió lên đến 240km/giờ, tương đương với bão cấp 5 và mạnh hơn bão Florence. Mangkhut đã xuyên qua Guam và quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, gây ra lũ lụt và mất điện trên diện rộng. 16 tỉnh trên khắp đảo Luzon và quần đảo Visayas của Philippines đã ban hành báo động khẩn cấp với Mangkhut và theo Cục Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn học Philippines mức độ đe dọa dự kiến sẽ tăng lên. Giới chức Philippines cho hay khoảng 10 triệu người dân nước này nằm trên đường đi của bão Mangkhut sẽ bị ảnh hưởng. Chính phủ Philippines bắt đầu sơ tán hàng ngàn người dân sinh sống trong khu vực trên đường đi của cơn bão, đóng cửa các trường học, chuẩn bị sẵn các xe ủi để đối phó với các vụ sạt lở đất, các đội cứu hộ và quân đội được đặt trong tình trạng báo động cao tại miền Bắc nước này. Thống đốc Cagayan, ông Manuel Mamba, cho biết dân cư ở các làng ven biển và tại các cộng đồng ở phía Bắc của đảo, gồm 1,2 triệu dân trong vùng chuyên sản xuất lúa và ngô, đã bắt đầu sơ tán.
Hậu quả do bão Mangkhut gây ra tại Hong Kong và Ma Cao cũng rất đáng kể, theo dự báo của Cơ quan dự báo Hải quân Mỹ, bão Mangkhut có thể là một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công Hong Kong trong hơn 6 thập kỷ qua. Theo CNN, các quan chức ở Hong Kong đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp vào ngày 13-9 để lên kế hoạch triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão Mangkhut .