Nghi vấn về vai trò của WHO
Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 14-4 rằng Mỹ tạm dừng tài trợ cho WHO đồng thời đánh giá lại vai trò của WHO trong đại dịch Covid-19. CNN dẫn lời Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ xem xét “vai trò của WHO về quản lý và che đậy sự lây lan của SARS-CoV-2”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ tài trợ khoảng 400-500 triệu USD cho WHO mỗi năm (chiếm 15% ngân sách của WHO) trong khi Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 40 triệu USD. “Với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng liệu sự hào phóng của nước Mỹ có được sử dụng tốt nhất có thể hay không”, ông Donald Trump đặt vấn đề.
Theo Tổng thống Donald Trump, nếu WHO nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ của mình, đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình trên thực địa và kêu gọi tính minh bạch của Trung Quốc thì dịch bệnh có thể được ngăn chặn tại nguồn với rất ít ca tử vong. Nếu hành động kịp thời, WHO có thể đã ban hành lệnh cấm đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc sớm hơn nhưng họ đã không làm, xem đó là quyết định “nguy hiểm và tốn kém”.
Theo Tổng thống Donald Trump: “Các chỉ trích của WHO nhằm vào những biện pháp hạn chế đi lại đã đặt quyền lợi chính trị lên trên các sinh mạng” đồng thời cho rằng biện pháp hạn chế đi lại với người Trung Quốc nếu được áp dụng sớm đã cứu được sinh mạng của hàng ngàn người và tránh cho kinh tế thế giới suy sụp.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News cũng cho biết, Mỹ cần WHO trả lời cho những câu hỏi về sự minh bạch và cách thực hiện chức năng của mình, đảm bảo rằng thế giới có thông tin chính xác, kịp thời, hiệu quả về những gì đang diễn ra trong hệ thống y tế toàn cầu. Trước đại dịch, đề xuất năm tài chính năm 2021 của Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra mức cắt giảm 65 triệu USD cho WHO - giảm hơn 50% so với năm 2010.
Nhiều phản ứng trái chiều
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói: “Hiện không phải là lúc để giảm các nguồn lực cho các hoạt động của WHO hoặc bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.
Đây là thời điểm để đoàn kết cộng đồng quốc tế cùng nhau ngăn chặn Covid-19 và hậu quả của đại dịch”. Tuần trước, khi Tổng thống Mỹ đe dọa có thể cắt giảm tài trợ cho WHO, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới không chính trị hóa đại dịch. “Chúng ta sẽ có thêm nhiều túi xác nếu không hành xử đúng”, ông Tedros nói.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ, tiến sĩ Patrice Harris, gọi đây là “một bước đi sai lầm nguy hiểm, sẽ không làm cho việc đánh bại Covid-19 dễ dàng hơn”. Ông Harris cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ xem xét lại quyết định. Bà Lawrence Gostin, Giám đốc Viện Nghiên cứu y tế quốc gia và toàn cầu của Đại học Georgetown, cho rằng, nếu WHO bị khủng hoảng về chính trị và tài trợ, họ sẽ không thể đóng vai trò lãnh đạo rất cần thiết trong thời điểm nguy kịch này.
Ở phía ủng hộ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đang lên kế hoạch điều tra riêng xem xét cách WHO và Chính phủ Trung Quốc ứng phó với đại dịch Covid-19 từ khi khởi phát. Theo NBC News, Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện do Thượng nghị sĩ Ron Johnson làm chủ tịch sẽ tiến hành một cuộc điều tra giám sát “trên phạm vi rộng” về nguồn gốc của virus và phản ứng của WHO. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã gửi thư tới Tổng Giám đốc WHO, xem đây là bước đầu tiên trong quá trình điều tra.