Năm 2012, nếu giá bán than điều chỉnh theo thị trường thì giá điện cũng sẽ điều chỉnh theo vì giá nguyên nhiên liệu đầu vào là một trong 3 yếu tố để điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24, ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) Đinh Thế Phúc khẳng định tại buổi họp báo chiều 6-2 của Bộ Công Thương.
Theo ông Phúc, Bộ Tài chính thông báo sẽ đưa giá than theo giá thị trường từ năm 2012 nhưng đến ngày 6-2, ERAV vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của Bộ Tài chính về lộ trình cụ thể tăng giá than.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24 ban hành ngày 15-4-2011. Quyết định chỉ rõ việc tăng giá điện giữa 2 lần chỉ được phép tối thiểu giữa 3 tháng, chứ không thể 2 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Tuy nhiên, nếu sau 3 tháng mà các yếu tố đầu vào thay đổi nhưng không làm giá điện tăng đến 5% thì cũng không có việc tăng giá điện.
Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải khẳng định, điện là mặt hàng xương sống của nền kinh tế - xã hội nên dù có điều chỉnh theo thị trường cũng phải theo lộ trình từng bước để không gây ảnh hưởng đột ngột. Bên cạnh đó, giá than bán cho các hộ tiêu thụ đặc biệt như thép, xi măng và điện vẫn sẽ theo cơ chế giá đặc thù, phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất vay vốn cao.
Về cung ứng điện cho năm 2012, đặc biệt trong mùa khô này, đại diện ERAV cho hay: Nếu không có biến động bất thường về thủy văn thì ngành điện có thể đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012.
Về việc cấp điện cho Hà Nội sẽ gặp khó khăn trong năm 2012 do vướng trong giải phóng mặt bằng xây dựng các đường dây truyền tải điện, đại diện ERAV khẳng định: Việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực theo Tổng Sơ đồ 6 của Hà Nội bị chậm nên việc cấp điện cũng khó khăn.
Ngay từ cuối năm 2010, ERAV đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực Hà Nội về các phương án cấp điện cho Hà Nội. Cuối năm 2010, EVN đã đưa vào hoạt động các trạm biến áp truyền tải điện cho Hà Nội như: trạm 220 kV Chèm, trạm 220 kV Hà Đông và trạm 220 kV Mai Động.
Ông Phúc cho biết, ngày 7-2, ERAV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng cho xây dựng công trình điện.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về việc cấp điện cho thành phố do một Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, trong đó tập trung ưu tiên cho giải phóng mặt bằng các công trình điện.