Nắm bắt cơ hội vào Nga

Cơ hội cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên để nắm bắt, tập dụng được cơ hội này các DN trong ngành phải giải được bài toán vốn đầu tư.

Cơ hội cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên để nắm bắt, tập dụng được cơ hội này các DN trong ngành phải giải được bài toán vốn đầu tư.

Dư địa lớn

Theo ước tính, thị trường hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng toàn cầu có sức tiêu thụ hàng năm 100 tỷ USD, trong đó thị trường chính là Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản. Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với mức tiêu thụ khoảng 67,5 tỷ USD, tiếp đến là các nước châu Âu với mức tiêu thụ khoảng 13 tỷ USD.

Nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2014 mới dừng lại ở con số 1,6 tỷ USD, chiếm 1,5% thị trường thế giới, tức còn khoảng trống rất lớn để DN trong ngành đẩy mạnh chiếm lĩnh. Vài năm gần đây mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khá được ưa chuộng, nhiều đối tác đã chuyển đơn hàng từ Trung Quốc qua Việt Nam. Thậm chí nhiều DN Trung Quốc cũng qua Việt Nam đặt hàng rồi xuất đi các thị trường khác.

Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương Việt Nam tham gia cũng đang mở ra những cơ hội thị trường cho ngành thủ công mỹ nghệ. Tuy không tác động mạnh mẽ như những ngành xuất khẩu chủ lực khác, nhưng về lâu dài cũng có những ảnh hưởng rất tích cực khi có thêm nhiều thị trường. Thí dụ, với TPP, ngành hàng thủ công mỹ nghệ không chịu tác động lớn do sản phẩm này không bị mức thuế cao như mặt hàng dệt may, da giày…

Ngược lại, thị trường của hàng thủ công mỹ nghệ sẽ rộng mở hơn dù sẽ có những đòi hỏi khắt khe hơn. Còn với các FTA, thời gian gần đây được quan tâm nhiều là FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu. Theo đó, Nga hiện đang có nhu cầu khá lớn với nhiều mặt hàng, nên đây có thể xem là cơ hội tốt cho hàng hóa Việt Nam. Bởi vào Nga thành công, DN sẽ dễ dàng thâm nhập các thị trường trong Liên minh kinh tế Á Âu.

Ngành thủ công mỹ nghệ cũng kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Nga, trước mắt nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm rủi ro khi xuất khẩu. Song những khó khăn ở thị trường Nga đang là thách thức không nhỏ đối với DN Việt Nam. Thí dụ, khoảng cách vận chuyển giữa Việt Nam và Nga khá xa khiến chi phí vận tải cao. Vấn đề thanh toán cũng không thuận lợi như với các thị trường khác do DN Nga có thông lệ trả chậm, nếu có tranh chấp xảy ra, phía Việt Nam sẽ có khả năng phải gánh chịu rủi ro. Các thủ tục xuất nhập khẩu vào Nga cũng còn khá rườm rà nên DN cũng chưa quen.

Vướng đầu tư

Như đã nói cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch cho các DN trong ngành thủ công mỹ nghệ rất lớn nhưng hiện nay vẫn còn những rào cản khiến DN chưa thể mạnh. Chẳng hạn, về sức sáng tạo của DN Việt Nam hiện còn thua các DN trong khu vực. Thái Lan mặc dù xuất khẩu không nhiều, các mặt hàng cũng không đa dạng như Việt Nam, nhưng giá trị gia tăng từ sản phẩm của họ cao hơn do có tính sáng tạo cao. Còn các DN Việt Nam hầu hết vẫn làm gia công.

Đó là chưa kể do thiếu vốn đầu tư công nghệ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất cạnh tranh về giá. Thông thường người ta vẫn nghĩ làm thủ công mỹ nghệ cần tay nghề của công nhân nhiều hơn máy móc, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Chẳng hạn, để chạm tượng nếu dùng máy chỉ mất khoảng 1 tiếng nhưng nếu làm thủ công mất đến 2 ngày, trong khi sản phẩm làm bằng tay chưa chắc tinh xảo bằng máy. Nói như thế để thấy đầu tư công nghệ trong ngành thủ công mỹ nghệ cũng hết sức cần thiết nhưng vốn lại là bài toán khó.

Công ty Mỹ nghệ Kim Bôi thời gian qua cũng tính toán việc đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, giảm chi phí nhằm giảm giá thành, giúp cạnh tranh tốt hơn nhưng vốn đầu tư không nhỏ. Nếu đầu tư lớn, vấn đề tiêu thụ, tìm thị trường ra sao, thu hồi vốn, trả lãi suất như thế nào. Nhưng nếu không đầu tư, khi có đơn hàng lớn sẽ không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Thực tế, không chỉ riêng Kim Bôi, nhiều DN khác trong ngành cũng chung lo lắng này. Trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục tăng cao, có nhiều đơn hàng dù không có lãi nhưng các DN vẫn phải nhận làm, vì nếu không làm còn lỗ nặng hơn. Chính vì thế rất mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ về vốn tốt hơn cho DN thủ công mỹ nghệ. Nếu có vốn, DN Việt Nam không chỉ đẩy mạnh đầu tư công nghệ, mà còn có thể đầu tư mạnh hơn vào mảng thiết kế, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Ngành thủ công mỹ nghệ kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Nga.

Ngành thủ công mỹ nghệ kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Nga.

Trở lại với những khó khăn tại thị trường Nga, một thị trường đang rất được DN quan tâm thời gian qua. Các khó khăn này đang từng bước được giải quyết. Chủ đầu tư của tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matcơva đã cam kết nếu DN đưa hàng bán tại trung tâm này họ sẽ chịu trách nhiệm khâu thanh toán. Hiện nay mặt hàng thủ công mỹ nghệ qua thị trường Nga chịu phí vận chuyển cao cộng với thuế sẽ phải đối mặt với những đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên người tiêu dùng Nga lại rất chuộng hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. Vì thế, nên nếu thị trường này chấp nhận, giá dù cao vẫn có thể cạnh tranh được. Ngoài ra, khi FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu có hiệu lực, một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng được hưởng mức thuế thấp, điều này sẽ giúp hạ giá thành.

Các tin khác