Khảo sát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ cuộc điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của USAID công bố đã chỉ ra khá nhiều mảng tối trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay.
Khảo sát 1.970 doanh nghiệp FDI từ 45 nước, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại nước ta (là cuộc điều tra quy mô lớn nhất và toàn diện nhất), cho thấy các doanh nghiệp FDI ở nước ta có quy mô vốn đầu tư và lao động tương đối nhỏ; hầu hết đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ láng giềng như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đa số doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất có giá trị gia tăng và chủ yếu quan tâm đến xuất khẩu sản phẩm là chính. Theo nhóm nghiên cứu, kết quả PCI-FDI năm nay tiếp tục thể hiện sự lo ngại về việc FDI hỗ trợ không đáng kể đến phát triển thị trường nội địa, khi doanh nghiệp FDI nhập khẩu tới 57,5% hàng hóa, dịch vụ trung gian; chỉ 40% hàng hóa, dịch vụ trung gian được mua trong nước, trong số đó chỉ 2% từ doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp FDI là chi phí, tiếp đến là ổn định chính trị và các ưu đãi về thuế, đất đai. Các nhà đầu tư hầu như không lựa chọn yếu tố chất lượng điều hành.
Hiện tượng này chỉ có thể lý giải bằng việc hầu hết doanh nghiệp FDI có mô hình hoạt động chi phí thấp, đứng ở cuối chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, họ không mấy quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mà chỉ chú trọng đến yếu tố cắt giảm chi phí.
TS. Jim Winkler, Giám đốc dự án USAID/VNCI, phân tích sự thiếu liên kết với khu vực kinh tế tư nhân đã hạn chế hiệu ứng lan tỏa về tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý và cải tiến năng suất. Điều này có thể do lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay chỉ là chi phí lao động, ổn định chính trị, các ưu đãi về thuế và đất đai.
Chính vì lý do này, 65% doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử và chế biến thực phẩm. Trong khi những lĩnh vực Việt Nam cần phát triển lại không có sự tiến bộ, như công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ, tăng hàm lượng chất xám/sản phẩm, nâng cao hiệu suất lao động…
Một điểm đáng lưu ý là chất lượng lao động tiếp tục là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp FDI nhận định giáo dục phổ thông và đào tạo nghề vẫn chưa được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua. Khoảng 40% số doanh nghiệp FDI cho biết cần đào tạo tại chỗ cho lao động của mình.
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ chỉ có 66% lao động ở lại làm việc cho doanh nghiệp sau khi được đào tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Nếu giáo dục phổ thông và đào tạo nghề có chất lượng tốt hơn, các công ty có thể cắt giảm chi phí đào tạo tại chỗ.
Những phác họa từ báo cáo PCI-FDI cho thấy thu hút FDI hiện không được hướng vào các lĩnh vực, mục tiêu chiến lược, không thu hút được công nghệ. Do vậy, những lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động đang xem nước ta như miền đất hứa cho khả năng sinh lời từ đồng vốn tối thiểu và công nghệ chỉ mang tính gia công, lắp ráp.
Giai đoạn đầu của chiến lược thu hút FDI đã qua đi (do đặc thù thiếu vốn đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực, nước ta chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực với mọi quy mô). Thời điểm này cần cái nhìn, tư duy mới để có những giải pháp hài hòa giữa yếu tố thúc đẩy tăng trưởng với xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững.
Sự thay đổi toàn diện này là hết sức cần thiết, đặc biệt khi Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình. Do đó, cần chủ động và có tiêu chí lựa chọn kỹ càng hơn các đối tác, nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, ưu tiên cao nhất là khả năng tạo lợi nhuận, công nghệ và quản lý của các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng; nhấn mạnh vào đóng góp về chất lượng của FDI, tránh những cái giá đang phải trả khá lớn về môi trường, tài nguyên và xã hội.
Để thực hiện thành công hướng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, cần chuẩn bị tích cực các điều kiện, cũng là những thách thức lớn hiện nay: Nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo đủ nguồn cung ứng điện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ… Đây là những thách thức chúng ta phải vượt qua để “nắn” dòng vốn FDI chảy đúng chỗ, đạt hiệu quả cao nhất.