Người dân TPHCM xếp hàng chờ đổ xăng ngày 11-10-2022. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong các nguyên nhân đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt xăng dầu cục bộ, được xác định có nguyên nhân từ cơ chế điều hành xăng dầu còn nhiều bất cập, chưa phù hợp. Trong đó, người tiêu dùng luôn là “nhóm yếu thế” trong mối quan hệ các bên liên quan.
Quyền lợi người tiêu dùng bị chèn ép giữa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi cung ứng xăng dầu: Cơ quan quản lý - đơn vị sản xuất - thương nhân đầu mối nhập khẩu và các cửa hàng bán lẻ. Thực tế đó, đòi hỏi cần có quy định pháp luật rõ ràng, cơ chế thực thi minh bạch, trách nhiệm để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, chiều 25-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự luật đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra, đại biểu thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) sau 12 năm được Quốc hội thông qua, hơn 11 năm có hiệu lực thi hành đã góp phần kiến tạo các khung khổ, nền tảng BVQLNTD. Song trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, nhiều văn bản pháp luật liên quan như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2015, Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh, Luật Ngoại thương 2018... được ban hành đã bổ sung thêm nhiều quy định bảo đảm hơn quyền con người, quyền công dân trong giao dịch kinh doanh - tiêu dùng.
Sự phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... làm cho Luật BVQLNTD trở thành “chiếc áo pháp lý vừa cũ, vừa chật”, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến nhiều khiếu nại không được giải quyết. Phương thức Trọng tài và Tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là thấp. Nhiều quy định trong luật chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới.
Các vấn đề mới đang đặt ra trong việc thi hành các cam kết về BVQLNTD theo các điều ước quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các cam kết hội nhập ngày càng sâu rộng vào các định chế kinh doanh, thương mại khu vực và thế giới. Nhân lực, nguồn lực tài chính dành cho hoạt động BVQLNTD rất ít. Hiện chỉ có 12 nhân sự chuyên trách lo cho 97 triệu người tiêu dùng Việt tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương. Ở địa phương, 100% các sở công thương không có cán bộ chuyên trách công tác này. Thực tiễn đòi hỏi hoàn thiện Luật BVQLNTD và thực thi pháp luật hiệu quả, theo hướng:
Một là, cần hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật; các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu; quy định liên quan cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Hai là, hoàn thiện các quy định BVQLNTD trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Ba là, hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động BVQLNTD; bảo đảm tính thống nhất các văn bản pháp luật có liên quan; tương thích với các điều ước quốc tế.