Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) cho biết từ nay đến năm 2015 tiếp tục sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa 70 DN cùng các ban quản lý dự án (BQLDA) giao thông trực thuộc bộ, nhằm tạo ra sự năng động để thực hiện các bước đột phá trong lĩnh vực giao thông.
Chủ động triển khai dự án
Theo số liệu của Bộ GT-VT, đến tháng 10-2011 đã có 324 DN hoàn tất việc cổ phần hóa. Sau khi chuyển đổi, nhờ thay đổi cơ chế quản lý, chủ động trong sản xuất, kinh doanh… các DN hoạt động tốt hơn. Việc cổ phần hóa cũng giúp vốn Nhà nước tăng 20%; doanh thu, lợi nhuận, thu nhập lao động tăng bình quân 10%.
Trong đó có một số hoạt động chuyển đổi mô hình đáng chú ý diễn ra trong năm như tại BQLDA Mỹ Thuận, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), 6 DN ngành đường sắt…
Trong phương án sắp xếp, đổi mới DNNN, Vietnam Airlines sẽ do Nhà nước nắm giữ |
Tháng 8-2011, Bộ GT-VT chuyển đổi BQLDA Mỹ Thuận thành mô hình tổng công ty. Sau khi mang tên Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng Giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), ngoài nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, khai thác các dự án hạ tầng giao thông, “siêu” DN nhà nước (DNNN) này còn đảm nhiệm thêm chức năng mới là huy động các nguồn vốn từ xã hội để đầu tư vào các dự án giao thông.
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, Cửu Long CIPM tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc phát huy tính chủ động trong các hoạt động xã hội hóa nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Trong lĩnh vực hàng không, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về phương án sắp xếp, đổi mới DN thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giai đoạn 2011-2015.
Trong đó, cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đối với công ty mẹ; duy trì DN do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn đối với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO); cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không, trong đó Vietnam Airlines giữ trên 50% vốn điều lệ và quyết định tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại 3 xí nghiệp: Thương mại mặt đất Nội Bài, Thương mại mặt đất Đà Nẵng và Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất.
Tương tự, 6 DN lớn trong ngành đường sắt được xếp vào diện thực hiện cổ phần hóa trong thời gian tới gồm: Công ty TNHH MTV In Đường sắt; Công ty TNHH MTV In Đường sắt Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An; Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (đơn vị hạch toán phụ thuộc); Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (đơn vị hạch toán phụ thuộc); Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt (đơn vị hạch toán phụ thuộc).
Không thể trông chờ vốn ngân sách
Thời gian qua, các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý đã chỉ ra hạn chế của một số DNNN trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, hoạt động chỉ dựa trên việc phân bổ dự án từ Bộ GT-VT. Vì thế khi triển khai dự án, các đơn vị này thụ động trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, dẫn đến tiến độ và hiệu quả rất hạn chế.
Minh chứng rõ nhất là việc chưa chuyển đổi BQLDA Mỹ Thuận khi được giao thực hiện dự án đường cao tốc TPHCM. Do năng lực quản lý chi phí, khảo sát, thi công yếu kém đã làm công trình trọng điểm quốc gia này đội vốn từ 6.500 tỷ đồng lên 9.800 tỷ đồng, và công trình vận hành chưa được bao lâu đã xuống cấp.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Ngô Thịnh Đức cho biết những DN bộc lộ yếu kém cần phải thay đổi để nâng cao sự minh bạch, hiệu quả quản lý.
Đó là xu hướng tất yếu bởi các nguồn vốn ngân sách có hạn, vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cho lĩnh vực giao thông đang giảm dần nên hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) sẽ được phát triển. Khi chuyển đổi sang mô hình mới với quy mô lớn, chuyên môn hóa và hợp tác sâu rộng hơn, các DNNN trong ngành giao thông sẽ khắc phục được những hạn chế trong công tác quản trị, nhân lực.
Theo đề án sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DN ngành giao thông đã trình Chính phủ phê duyệt của Bộ GT-VT, các BQLDA, DN sẽ được cổ phần hóa theo hướng vừa là đơn vị quản lý, khai thác, vừa là đơn vị tìm kiếm nguồn vốn (đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách) để đầu tư cho dự án hạ tầng giao thông.
Đồng thời, việc chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thông qua hình thức đấu thầu để có được các nhà thầu chất lượng hơn. Đây cũng là điểm then chốt đẩy nhanh tiến trình rút vốn ngân sách khỏi những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối.