Bởi điều quan trọng hơn để giải quyết bài toán giao thông đang tồn tại nhiều bất cập hiện nay, chính là đòi hỏi nâng cấp ngành giao thông.
Nếu Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được triển khai và đưa vào cuộc sống, lực lượng công an sẽ làm thêm nhiệm vụ sát hạch và cấp giấy phép lái xe, trong khi lĩnh vực này đang được tăng cường xã hội hóa. Hiện nay, gần như không có quốc gia nào trên thế giới lại giao cho lực lượng công an quản lý giấy phép lái xe. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Để quản lý giấy phép lái xe, Trung Quốc có Cục đường bộ, Singapore có cơ quan dân sự, Mỹ có chính quyền địa phương, một số nước giao cho hiệp hội. Luật hiện hành của ta đang giao cho cả Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Không thể một luật Bộ Công an đang dự thảo, hay Luật Giao thông đường bộ có thể làm tốt được đảm bảo trật tự an toàn giao thông”.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tách một số nội dung trong Luật Giao thông đường bộ sang luật mới và giữ ổn định việc đào tạo lái xe như hiện nay. Bởi lẽ, nếu tách ra thành 2 luật sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật. Luật Giao thông đường bộ là luật chuyên ngành giao thông vận tải, nếu tách thành 2 luật liệu Luật Đường thủy nội địa hoặc Luật Đường sắt cũng cần tách thành 2 luật?
Với quy định của Luật Giao thông đường bộ đang được áp dụng, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe dân sự, còn Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe của lực lượng mỗi ngành. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông muốn chuyển toàn bộ hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe dân sự sang Bộ Công an quản lý, sẽ có những vướng mắc khác nảy sinh. Thí dụ, khi xảy ra tiêu cực không lẽ Bộ Công an phải lâm vào hoàn cảnh “vừa đá bóng vừa thổi còi”? Mặt khác, ai đảm bảo và dám chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển sang Bộ Công an không có giấy phép lái xe giả và tai nạn giao thông sẽ giảm.
Chất lượng giao thông nước ta đang tồn tại rất nhiều bất cập và đáng báo động, không chỉ nằm ở giấy phép lái xe, còn nằm ở hệ thống đường sá thi công vội vàng và xuống cấp trầm trọng. Nhiều tuyến quốc lộ nhỏ hẹp, không có đèn chiếu sáng. Hơn nữa, liên tục nhiều vụ án liên quan đến các công trình giao thông đã và đang gây nhức nhối cho cộng đồng. Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chắc chắn không phải cây đũa thần để giải quyết những rắc rối kể trên.
Ngay khi Luật Giao thông đường bộ được bàn bạc để chia nhỏ hay không chia nhỏ, một vụ kẹt xe kinh hoàng xảy ra trên cao tốc TPHCM - Trung Lương vào rạng sáng 16-11. Một vụ tai nạn giao thông, đã khiến dòng xe tắc nghẽn hơn 10km, và hơn 3 giờ đồng hồ sau vẫn chưa thấy lực lượng chức năng đến hiện trường. Như vậy, rõ ràng nâng cấp chất lượng ngành giao thông còn quan trọng gấp mấy lần chia nhỏ luật giao thông.
Theo phân tích của các đại biểu Quốc hội, có mấy điều cần lưu ý. Thứ nhất, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không có trong Chương trình xây dựng luật năm 2020. Do vậy, nếu áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ không thỏa mãn các điều kiện. Thứ hai, bảo đảm an toàn giao thông là một chính thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời, bao gồm cơ sở hạ tầng, quy tắc, phương tiện và người tham gia giao thông.
Nói như đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: “Chúng ta là thời đại 4.0 rồi, sắp tới là 5.0, 6.0, sử dụng dữ liệu dùng chung, có đầy đủ yếu tố để 1 cơ quan có thể chủ trì, những cơ quan khác phối hợp vẫn làm tốt công việc của Chính phủ. Đồng thời, việc tách 2 luật trên sẽ làm xáo trộn những vấn đề về mặt pháp lý”.