Câu chuyện về cuộc đổ bộ của hàng Thái Lan sau thương vụ BJC mua lại Metro vẫn còn rất nóng. Song trước những lo lắng ấy, một số chuyên gia và DN cho rằng thị trường sẽ được quyết định dựa trên xu thế và nhu cầu người tiêu dùng. Vì lẽ đó, để không thua trên sân nhà, các DN Việt phải nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm và giá thành.
Lo lắng
Trong cuộc trò truyện với ĐTTC gần đây, giám đốc một DN thuộc nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tỏ ra băn khoăn khi chia sẻ câu chuyện cung ứng hàng cho siêu thị Metro. Theo nữ giám đốc này, hàng hóa của công ty đã đưa vào Metro mấy năm nay, nhưng gần đây cứ khoảng 2 tháng nếu không bán được, phía siêu thị sẽ trả lại hàng và DN đương nhiên chịu toàn bộ chi phí. Điều này đang gây khó khăn cho nhiều DN có sản phẩm bán tại Metro, đặc biệt với những DN nhỏ như DN chị. Lý do phía siêu thị đưa ra vì muốn doanh số bán hàng tăng.
"Sản phẩm của chúng tôi để một thời gian cũng không hư hao hay mốc, nên trước đây chuyện này chưa xảy ra. Dù vẫn tiếp tục đưa hàng vào Metro, nhưng tôi lo lắng liệu đây có phải là những động thái đầu tiên có bóng dáng của Thái Lan đứng sau, với mục đích dạt hàng Việt để thay thế hàng Thái vào?” - vị nữ giám đốc bày tỏ.
Thực ra đây cũng chỉ là lo lắng, suy luận của riêng vị nữ giám đốc trên và cũng chưa có nhiều DN Việt Nam có thông tin tương tự. Tuy nhiên những lo lắng về việc sau khi BJC chính thức tiếp quản Metro Việt Nam liệu các nhà cung ứng Việt có còn nhiều cơ hội kinh doanh trong chuỗi này hay không là có thật.
Phía BJC trong buổi gặp gỡ báo giới hồi giữa tháng 9 đã chia sẻ tiêu chí hàng hóa phải phù hợp nhu cầu người tiêu dùng Việt và ưu tiên bán hàng Việt. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BJC, ông Aswin Techajareonvikul nói: “Chúng tôi không có kế hoạch tái cơ cấu hay hủy bỏ nhà cung cấp và sẽ làm việc để hiểu hơn về các nhà cung cấp nhằm giải tỏa vấn đề này”.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng chuyện siêu thị lớn ép nhà cung ứng, nhà cung ứng ép siêu thị nhỏ là có, nhưng phải có bằng chứng rõ ràng, không chỉ nên suy luận.
Dưới cái nhìn của một DN, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho rằng chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách công bằng, bởi một siêu thị lớn như Metro không thể chỉ bán hàng Thái Lan. Có thể khi người Thái vào quản lý họ sẽ thay đổi cách thức cho phù hợp với tiêu chuẩn của họ. Tuy nhiên, vấn đề cũng cần được mổ xẻ ở góc nhìn về nhu cầu và thị hiếu của người Việt. Thực tế, cho đến nay thói quen và nhu cầu tiêu thụ hàng Thái Lan vẫn còn ngự trị trong phần đông người tiêu dùng Việt Nam bởi chất lượng tốt và giá thành phải chăng.
DN phải chủ động
Trở lại câu chuyện với ông Vũ Vinh Phú, ông này khẳng định mình là người đề xuất với Bộ Công Thương về việc cần có quy định lượng hàng hóa Việt Nam bán trong siêu thị 60-70% để bảo vệ hàng trong nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa DN trong nước ỷ lại, muốn làm gì thì làm, bởi thị trường do người tiêu dùng quyết định.
“Các DN phải cố gắng vươn lên, cải tiến chất lượng sản phẩm và giá thành, vì không cải tiến chỉ có chết” - ông Phú nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam hiện nay mới dừng ở phong trào, chưa có chiến lược cụ thể cho hàng Việt.
“Bộ Công Thương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Phải có mục tiêu đến thời điểm nào hàng Việt cạnh tranh ra sao mới thúc đẩy hàng Việt đi lên thực sự” - ông Phú bày tỏ. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nhân, DN. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải thoát ra khỏi tâm lý sợ hãi, nặng nề. Theo đó, nếu DN tự cải tiến mình, hàng hóa chất lượng tốt, không có lý do gì người tiêu dùng lại quay lưng. Và khi người tiêu dùng ủng hộ, không chỉ hệ thống siêu thị nội mà các siêu thị ngoại sẽ bán hàng Việt trong chuỗi của họ tại Việt Nam, thậm chí tại nhiều nước khác.
DN Việt cần cải tiến chất lượng và giá thành để thu hút người tiêu dùng. |
Những nỗ lực của DN không chỉ dành riêng cho cuộc chiến với hàng Thái Lan mà cho nhiều hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác, khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành vào cuối năm 2015 và khi FTA Việt Nam - EU hay TPP được ký kết.
Nhân nói câu chuyện hội nhập, một số chuyên gia đã khuyến cáo DN trong nước nên tìm hiểu kỹ thông tin liên quan trực tiếp đến DN mình, ngành nghề mình, không chỉ nhìn một cách chung chung. Thí dụ, khi TPP được ký kết, hàng hóa ngoại sẽ tràn vào Việt Nam, nhưng cụ thể ngành hàng, lộ trình ra sao không phải DN nào cũng dành thời gian tìm hiểu kỹ.
Ông Hồ Quỳnh Hưng, Tổng giám đốc Điện Quang, từng chia sẻ với ĐTTC, Điện Quang hiện có bộ phận chuyên nghiên cứu luật pháp, thông tin liên quan trực tiếp đến ngành nghề DN đang hoạt động để chủ động trong cạnh tranh trong nước và quốc tế. Song trên thực tế còn nhiều DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn chưa thể làm như vậy. Và đây cũng là một phần thiệt thòi cho DN.