Nâng chất lao động dệt may

(ĐTTCO)-Do ít đơn hàng, không thể trụ được nên nhiều công ty dệt may trên địa bàn TPHCM phải đóng cửa. Điều này ảnh hưởng đến đời sống người lao động, khi bị mất việc trong thời điểm Tết Nguyên đán 2018 đang cận kề.
Công nhân ngành dệt may, da giày đang đối mặt với nguy cơ mất việc trong cuộc cạnh tranh công nghệ
Công nhân ngành dệt may, da giày đang đối mặt với nguy cơ mất việc trong cuộc cạnh tranh công nghệ
Lao động nữ nguy cơ mất việc cao
Từ giữa năm 2017, Công ty May mặc K. đóng tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (quận Thủ Đức, TPHCM) phải  cắt giảm 800 lao động vì gặp khó khăn, ít đơn hàng. Đa phần các trường hợp bị mất việc là lao động lớn tuổi, đang làm ở những công đoạn giản đơn trong các chuyền sản xuất, năng suất thấp. Cũng vì lớn tuổi nên cơ hội quay trở lại làm việc cũng như tìm kiếm việc làm mới của số lao động này là rất ít.
Tương tự, khoảng 400 lao động làm việc ở phân xưởng 2 của Công ty TNHH Shing Việt (tọa lạc tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM) cũng cùng chung cảnh ngộ khi công ty đang thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với lý do gặp khó khăn về đơn hàng, không thể duy trì hoạt động. Công ty TNHH Dệt kim Fenix Việt Nam thì thông báo chuẩn bị đóng cửa nhà máy để làm thủ tục phá sản, khiến 220 công nhân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm. Không chỉ vậy, công ty vẫn còn nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội và các khoản nợ khác.
Ngoài lý do công ty không đủ sức cạnh tranh, không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, người lao động trong ngành dệt may và da giày cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất việc do sự xuất hiện của các dây chuyền sản xuất tự động hóa, robot, khi công ty đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đưa robot vào làm việc cùng với con người trong các nhà máy. Thậm chí thay thế người lao động ở một số công đoạn, bộ phận. Đại diện Công ty cổ phần Sakos (chuyên may ba lô, túi xách, có nhà máy tại quận 12) cho biết, chỉ cần đưa một máy cắt chỉ tự động vào trong dây chuyền thì đã thay thế được 4 - 10 lao động trong mỗi ca sản xuất; đưa 2 cánh tay robot vào trong khâu lắp ráp sản phẩm cũng giảm thiểu được gần 30 lao động cho 3 ca làm việc.
Tại một cuộc hội thảo diễn ra mới đây tại TPHCM, ông Nguyễn Thế Hưng,  Phó giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM, dẫn chứng số liệu công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày khu vực Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Riêng Việt Nam, 86% lao động trong 2 ngành nghề này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa, trong đó lao động nữ chiếm một số lượng rất đáng kể. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không nhỏ khi các ngành như dệt may, giày dép đang chiếm số lượng lớn việc làm cho lao động trong nước. 
Dầu vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày cũng đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Ví dụ như Công ty May Sài Gòn 3 trên địa bàn TPHCM thông báo tuyển hơn 700 lao động do mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, yêu cầu để được tuyển dụng là công nhân phải có trình độ tay nghề, có kỹ năng làm việc để đáp ứng được với các máy móc hiện đại. 
Chủ động để thích ứng
Như vậy, để không bị thay thế bởi tự động hóa và duy trì việc làm bền vững, người lao động trong ngành dệt may, da giày cần phải chủ động thích ứng với thực trạng này. Chìa khóa cho sự thích nghi không gì khác hơn là người lao động phải được trang bị kỹ năng lao động cũng như nâng cao trình độ tay nghề. Có như vậy thì mới có thể điều khiển, vận hành, tương tác và làm việc hiệu quả cùng với tự động hóa trên các thiết bị, công nghệ hiện đại. Ông Nguyễn Thái Dương, Chủ tịch Công đoàn Dệt may TPHCM, cho biết thời gian vừa qua Công đoàn Dệt may đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng mở các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề miễn phí cho lao động ngành may. Một số công ty đã tạo điều kiện cho gần 200 công nhân được bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo chia sẻ của phó giám đốc một công ty may hiện có 8.000 lao động trên địa bàn TPHCM, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội song cũng mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Và nguồn lao động đang là vấn đề rất lớn, khi việc tìm kiếm lao động bình thường đã khó, công nghiệp 4.0 lại còn đòi hỏi cao hơn về trình độ của người lao động. Khi đưa dây chuyền tự động hóa vào sản xuất, công nhân phải thích nghi được bằng cách nâng cao kỹ năng nghề. 
Như vậy, để đáp ứng được cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần có hướng đào tạo và đào tạo lại kỹ năng tay nghề cho công nhân. Điều này góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại, khó khăn của lao động trong ngành dệt may và da giày, cũng như đảm bảo việc làm bền vững. Người lao động cần tích cực tìm hiểu các tiêu chuẩn nghề nghiệp để có kế hoạch thích nghi, nâng cao tay nghề. Nhất là cần tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề, rèn luyện thể lực và năng suất lao động. Đây chính là điều kiện cần để người lao động thích nghi với điều kiện lao động mới.

Các tin khác