(ĐTTCO)-Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, vấn đề nợ công quốc gia một lần nữa đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tới và bản thảo.
Theo như nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng, nợ công đang ngày một tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn.
Vậy thực trạng nợ công của Việt Nam hiện nay như thế nào và đâu là giải pháp để mức nợ công đạt ngưỡng an toàn theo Nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua.
Phóng viên đã trò chuyện với tiến sỹ Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.
- Thưa tiến sỹ, ông đánh giá như thế nào về thực trạng nợ công của Việt Nam hiện nay?
Tiến sỹ Đặng Đức Anh: Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, ước nợ công của Việt Nam đạt 64,98%, sát trần của Quốc hội cho phép; trong đó nợ của Chính phủ là 53,1%, cao hơn mức trần cho phép. Đây là các con số ước tính dựa trên các kịch bản kinh tế mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra từ đầu năm.
Song có thể thấy các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho các tính toán các chỉ tiêu về nợ công hiện nay đã thấp hơn so với dự báo ban đầu, do vậy, tôi cho là nếu không có những giải pháp rất quyết liệt thì nhiều khả năng trần nợ công 65% của năm nay khó mà giữ được.
- Vậy nguyên nhân nào khiến cho nợ công Việt Nam liên tục tăng cao, thậm chí cao gấp 3 lần tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015, thưa ông?
-Tôi cho rằng có ba nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ công tăng khá nhanh trong thời gian qua. Trước tiên, chúng ta biết rằng các chỉ tiêu về thu ngân sách, chi ngân sách và nợ công đều được tính toán dựa trên dự báo về GDP.
Khi mà các chỉ tiêu dự báo về GDP và chỉ số giá GDP thấp hơn dự báo, trong khi Nhà nước vẫn tiếp tục huy động nguồn vốn vay và bội chi theo chỉ tiêu GDP dự kiến, thì nó sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng nợ lên cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế.
Thứ hai là nếu quan sát trong thời kỳ 2011-2015, nguồn thu ngân sách giảm khá nhanh so với giai đoạn 2006-2010.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng thu ngân sách trên GDP chỉ đạt khoảng 21-22% so với 26-27% của giai đoạn trước nhưng chi ngân sách không giảm tương ứng với tốc độ giảm thu, dẫn đến khoảng cách giữa thu chi ngân sách ngày càng dãn rộng và bội chi ngân sách ngày càng cao.
Đồng thời, chúng ta thấy rằng trong cơ cấu chi ngân sách của Việt Nam hiện nay, tỷ trọng dành cho chi thường xuyên ngày càng lớn, thu ngân sách chỉ đảm bảo cho việc chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ phần vốn chi cho đầu tư từ ngân sách nhà nước phải dùng vốn đi vay. Điều đó cũng làm tăng nhanh nợ công.
Ngoài ra, để đảm bảo duy trì nguồn vốn cho đầu tư thì Chính phủ đã tiến hành đảo nợ, tức là khi các khoản nợ đến hạn, chúng ta vẫn tiến hành đảo nợ để đẩy lùi thời gian trả nợ cho giai đoạn sau. Khi Chính phủ tiến hành đảo nợ thì rõ ràng các khoản nợ đó cùng với những khoản vay mới sẽ cộng dồn vào nhau và đưa khối lượng nợ tăng rất nhanh.
- Quốc hội mới đây đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm của quốc gia giai đoạn 2016-2010. Trong đó quy định rõ, nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%. Theo ông, giải pháp nào để có thể đảm bảo những chỉ tiêu tài chính mà Quốc hội đã đề ra?
- Theo tôi để đảm bảo các chỉ tiêu tài chính mà Quốc hội đã đề ra trong giai đoạn tới, chúng ta cần tập trung vào ba giải pháp. Thứ nhất cần đẩy mạnh những giải pháp đã đề ra trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế năm 2016-2020 của Quốc hội, nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn này ở mức từ 6,5-7% .
Thứ hai cần phải cắt giảm bội chi trong trung và dài hạn, bố trí lại cơ cấu chi ngân sách cho hợp lý, qua đó tăng tỷ lệ chi đầu tư lên 25-26%, đồng thời giảm chi thường xuyên, bố trí trả nợ đúng hạn và cố gắng giảm đảo nợ. Yếu tố thứ ba nên được thực hiện đó là phải cắt giảm phần bảo lãnh của Chính phủ và theo dõi chặt chẽ phần vay nợ của chính quyền địa phương.
- Cụ thể đối với các khoản nợ vay của Chính phủ và khả năng đáp ứng nguồn vốn vay từ phía thị trường thì như thế nào, thưa ông?
-Bên cạnh giải pháp tính toán khả năng trả nợ, theo tôi, Chính phủ cũng cần phải lưu ý đến tốc độ vay nợ làm sao cho đảm bảo sự phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng phải lưu ý tới vấn đề làm sao để giảm bội chi ngân sách nhà nước, quan tâm tới hiệu quả sử dụng đồng vốn, đảm bảo các đồng vốn vay sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, qua đó nâng cao được trách nhiệm của người sử dụng vốn vay.
Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã thử nghiệm chuyển từ cơ chế cấp phát vốn ODA sang cho vay lại ODA đối với các địa phương. Tôi cho rằng, đây là hướng đi đúng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn và trong thời gian tới Bộ Tài chính cần đẩy mạnh quá trình này hơn nữa.
- Hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công là một trong những giải pháp trọng tâm được đưa ra. Theo ông, để thực hiện được cần phải tập trung triển khai vào những lĩnh vực cụ thể, ưu tiên nào?
- Theo tôi, để hoàn thiện về thể chế quản lý nợ công chúng ta cần phải tập trung vào cả phần chính sách lẫn công cụ, cũng như về cơ cấu tổ chức để đảm bảo cho việc quản lý toàn diện về nợ công. Trong thời gian tới, Luật Quản lý nợ công nên được xem xét, sửa đổi, theo hướng quy định về nợ công tiếp cận gần hơn với chuẩn mực của quốc tế. Việt Nam cũng cần phải xây dựng trần nợ công riêng biệt với từng khoản nợ, bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ bảo lãnh của Chính phủ và nợ chính quyền địa phương.
Một vấn đề khác phải quan tâm đó là cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ để giảm áp lực về vốn vay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cân nhắc chuyển vốn vay từ cấp phát sang cho vay lại, giảm dần các khoản bảo lãnh của Chính phủ.
Cuối cùng, theo tôi cần phải cơ cấu lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan để đảm bảo được việc quản lý nợ công về một đầu mối rõ ràng, minh bạch và đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan có hiệu quả.
- Xin cám ơn ông!