(ĐTTCO) - Tại Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF 2016) diễn ra ở Hà Nội cuối tuần qua, một lần nữa vấn đề năng suất lại được nhắc đến như là một trong những trở ngại cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ông Ousmane Dione, 2016 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thành công nhờ các chính sách linh hoạt trong quản lý tỷ giá được áp dụng từ đầu năm. Năm 2016 cũng được đánh dấu bởi lạm phát một con số, tỷ giá tương đối ổn định và cán cân thương mại được cải thiện.
Vấn đề quan trọng là dù môi trường toàn cầu bất lợi, nhưng nền kinh tế vẫn phản ứng tốt nhờ cầu trong nước mạnh và ngành công nghiệp chế tạo hướng về xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng đạt 6% - thuộc nhóm cao nhất so với khu vực và trên toàn cầu.
Thách thức lớn đầu tiên là năng suất. Trong vài năm gần đây, sau thời kỳ suy thoái toàn cầu Việt Nam đã phục hồi đà tăng trưởng ngoạn mục, nhưng xu thế giảm mức tăng năng suất lao động vẫn tồn tại và gây quan ngại. Đến nay tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống. Trong khi đó tỷ lệ tăng năng suất lao động của Trung Quốc trên 7%, Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam. Điều này khó đảm bảo tăng trưởng cho Việt Nam theo kịp quỹ đạo tăng trưởng của Hàn Quốc hay Singapore.
Để chấm dứt tình trạng trên, cần thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, khuyến khích họ kết nối và cạnh tranh nhằm tạo ra những chuỗi giá trị hiệu quả trong và ngoài nước. Cần đổi mới mạnh hơn để tạo ra những thể chế thị trường hiệu quả, thí dụ áp dụng cơ chế thị trường trong phân bổ vốn và đất đai. Có như vậy mới đảm bảo tài nguyên được phân bổ cho các mục đích sử dụng hiệu quả nhất. Nếu thiết lập được và đảm bảo thị trường đất đai vận hành hiệu quả, sẽ là thành quả đáng kể trong kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đó sẽ là nhân tố quan trọng mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho người dân và doanh nghiệp tư nhân.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện có một số cản trở đối với triển vọng tăng trưởng bền vững của Việt Nam, thậm chí ở mức 6,5%/năm trong 20 năm tới. Theo tính toán, tăng trưởng tiềm năng hiện nay của Việt Nam với cơ cấu kinh tế hiện tại (nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài) ước tính chỉ 6,25%. Lý do, các nguồn lực tăng trưởng như lực lượng lao động tăng nhanh, đất đai và các nguồn lực khác được dùng nhiều hơn cho sản xuất và việc chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhìn chung đang bị hạn chế về sức ảnh hưởng. Quan trọng nhất, tốc độ tăng năng suất lao động chung của Việt Nam có xu hướng giảm trong 20 năm qua. Điều này cùng với các ảnh hưởng bất lợi của yếu tố bên ngoài, đang là lực cản lớn đối với tham vọng tăng trưởng cao của Việt Nam. Chính vì vậy, cải cách vĩ mô và tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2016-2020 có thể tạo không gian để khu vực tư nhân trở thành động lực cho tăng trưởng chất lượng cao và toàn diện.
Thực tế, năng suất thấp là lực cản cho tăng trưởng đã được các chuyên gia cảnh báo nhiều lần. Chính vì vậy, trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nâng cao năng suất lao động nằm trong quan điểm đầu tiên và trọng tâm thứ 5 của đề án. Theo đó, 5 năm qua năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4,4% và mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là 5,5% nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5-7%. Mục tiêu này phù hợp khi tốc độ tăng lực lượng lao động trong 5 năm tới có xu hướng giảm nhẹ, đạt khoảng 1-1,2%/năm so với 5 năm qua là 1,45%.
Để cải thiện năng suất lao động hiện nay của Việt Nam đang rất thấp so với khu vực, Chính phủ cần hỗ trợ thành lập Viện Nhân lực quốc gia, tương tự như Singapore, Thái Lan, Philippines và nhiều nước đang làm. Viện này là tổ chức phi lợi nhuận, sẽ đưa ra các tiêu chuẩn đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu quốc tế để ngành giáo dục và đào tạo tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn này, tạo ra lực lượng lao động có trình độ cạnh tranh tốt trong hội nhập. Đây chính là chìa khóa nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, góp phần cho tăng trưởng kinh tế ổn định và phát triển.