Để hiểu khái niệm về năng suất (NS) có thể hình dung một người đầu bếp trong một tiếng đồng hồ nấu món ăn phục vụ thực khách với giá trên thực đơn của nhà hàng là 1 triệu đồng. Nếu chi phí nguyên liệu làm món ăn là 300.000 đồng thì NS hay giá trị gia tăng (GTGT) của người lao động (NLĐ) trong một giờ là 700.000 đồng.
Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy bởi ngoài nguyên liệu, chủ DN còn phải tính thêm thiết bị làm bếp, điện nước, chỗ ngồi cho khách, dịch vụ bưng bê, quản lý, quảng cáo, thuế...
Nhìn từ góc độ kinh tế học, trong một thị trường lao động cạnh tranh hoàn toàn, tiền lương (TL) chủ DN trả cho NLĐ phải tương xứng công sức đóng góp của người này vào GTGT hay NS. Nói cách khác, NS tăng sẽ làm TL tăng. Tuy nhiên, trên thực tế TL và NS không phải lúc nào cũng tăng nhịp nhàng cùng nhau, bởi không phải NLĐ nào cũng có khả năng mặc cả TL với chủ DN một cách thẳng thắn và sòng phẳng.
Theo nghiên cứu của TS. Lawrence Mishel thuộc Học viện Chính sách Kinh tế Hoa Kỳ, tỷ lệ tăng TL thường thấp hơn tỷ lệ tăng NS sau một khoảng thời gian.
Thí dụ từ năm 1973-2011, NS tại Hoa Kỳ tăng hàng năm 1,56%, nhưng tiền công trung bình trả theo giờ chỉ tăng có 0,87%. Chênh lệch giữa lợi nhuận từ NS và mức tăng TL cũng có thể thấy rõ ở nhiều nước, thí dụ từ năm 2000-2008, NS ở Đức và Nhật tăng trung bình hàng năm 10% nhưng TL vẫn không đổi.
Chênh lệch lớn giữa tỷ lệ tăng TL và tăng NS cho NLĐ không hẳn là một điều xấu, bởi theo một số nhà kinh tế, điều này sẽ khuyến khích nhà đầu tư bỏ thêm tiền mở rộng kinh doanh và tạo công ăn việc làm. Triển vọng việc làm sáng sủa sẽ làm NLĐ mạnh miệng đòi chủ DN tăng lương.
Theo GS. George Akerlof đã từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 1982, TL tăng sẽ là chất xúc tác tốt làm tăng NS bởi NLĐ xem việc tăng lương như một “món quà” của chủ DN đối với những nỗ lực làm việc của mình và điều này dẫn đến khả năng NS tăng nhanh hơn.
TL tăng cũng có thể tạo áp lực khiến chủ DN phải nghĩ đến việc tăng GTGT của sản phẩm và dịch vụ bằng cách đầu tư vào nghiên cứu - phát triển hay đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến.
Thí dụ như áp lực TL tăng đã khiến các ngân hàng tại Singapore trong những năm 1980 lắp đặt thêm máy ATM hay các dịch vụ ngân hàng tự động hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu về dài TL không thể tăng mãi nếu NS không tăng với tốc độ cao hơn.