Nasdaq giảm 3 phiên liền; Giá dầu gần như đi ngang

(ĐTTCO) - Chỉ số Nasdaq đã đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp vào thứ Tư (05/4), khi các nhà đầu tư rời xa các cổ phiếu tăng trưởng trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu. Giá dầu hầu nh ư không thay đổi , bất chấp dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo, khi thị trường cân nhắc triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi.
Nasdaq giảm 3 phiên liền; Giá dầu gần như đi ngang

Nasdaq giảm 1%

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite rớt 1.07% xuống 11,996.86 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 mất 0.25% còn 4,090.38 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 80.34 điểm, tương đương 0.24%, lên 33,482.72 điểm, được hỗ trợ bởi đà tăng vọt của nhóm cổ phiếu y tế.

Thị trường diễn biến tiêu cực trong ngày thứ Tư khi các nhà đầu tư cân nhắc báo cáo việc làm khu vực tư nhân mới nhất của ADP. Báo cáo cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm lại trong tháng 3. Báo cáo này được đưa ra sau báo cáo vị trí tuyển dụng hôm thứ Ba cho thấy những nỗ lực của Fed để hạ nhiệt thị trường lao động cuối cùng cũng có tác dụng. Vào tháng 2, số lượng vị trí tuyển dụng tại Mỹ đã giảm xuống dưới 10 triệu lần đầu tiên trong gần 2 năm.

Các chỉ số chính đều giảm điểm vào ngày 04/4, với Dow Jones và S&P 500 đứt mạch chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong quý 1/2023 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao mọi thời đại.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao chịu áp lực vào ngày thứ Tư, với cổ phiếu Zscaler và CrowdStrike lần lượt bốc hơi 8.3% và 6.6%. Các cổ phiếu con chip cũng chịu áp lực, với cổ phiếu Advanced Micro Devices sụt hơn 3%.

Thị trường nghiêng về nhóm cổ phiếu phòng thủ đã hỗ trợ các cổ phiếu y tế vượt trội, qua đó thúc đẩy Dow Jones. Cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 4.5% sau khi công ty dược phẩm cho biết vào ngày 04/04 rằng họ sẽ trả 8.9 tỷ USD trong 25 năm tới để giải quyết khiếu nại rằng các sản phẩm bột talc của công ty gây ra ung thư. Nhóm cổ phiếu tiện ích cũng được đà tăng theo.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm vào ngày thứ Tư, nhưng khả năng tăng lãi suất thêm từ Fed đang góp phần làm thị trường biến động. Ngân hàng Trung ương New Zealand đêm qua đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lưu ý rằng lạm phát “quá cao và dai dẳng”. Trong khi đó, Chủ tịch Fed khu vực Cleveland, Loretta Mester, cho biết vào tối ngày 04/04 rằng bà nghĩ ngân hàng trung ương Mỹ vẫn cần nâng lãi suất thêm.

Giá dầu ổn định khi lo ngại kinh tế cản trở việc cắt giảm của OPEC+

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 5 xu, tương đương 0.1%, lên 84.99 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 10 xu, tương đương 0.1%, lên 80.61 USD/thùng.

Vào ngày thứ Tư, dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 3.7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn khoảng 1.5 triệu thùng so với dự báo. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng mất đà giảm mạnh hơn dự báo, lần lượt giảm 4.1 triệu thùng và 3.6 triệu thùng.

Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích của UBS nhận định: “Có thể sau đà tăng giá mạnh mẽ trong tuần này, nhà đầu tư có một chút thận trọng trước một báo cáo tích cực.”

Giá dầu đã tăng vọt hơn 6% vào ngày 03/4 sau khi OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện.

Johannes Rauball, nhà phân tích dầu thô của Kpler cho biết: “Quyết định của OPEC+ về việc tự nguyện cắt giảm nguồn cung từ tháng 5 trở đi đã gây bất ngờ cho nhiều người, vì cân bằng dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ càng trở nên khan hiếm trong những tháng mùa hè, điều chắc chắn sẽ giúp giá dầu thô được hỗ trợ.”

Dữ liệu cho thấy các điều kiện kinh tế đang hạ nhiệt gây áp lực lên nhu cầu dầu thô và nhiên liệu.

Báo cáo cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm, cho thấy thị trường lao động đang dần hạ nhiệt.

Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm dấu hiệu về xu hướng kinh tế rộng hơn từ dữ liệu việc làm của Mỹ trong tuần này, khi dữ liệu kinh tế yếu kém từ Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng lo ngại về nhu cầu.

Các tin khác