Trong đó, ngoài 6 NH đã tái cơ cấu thông qua hợp nhất sáp nhập và GPBank được NHNN mua với giá 0 đồng, có 2 NH tự tái cơ cấu TPBank và Navibank (nay là NH Quốc dân-NCB). Tuy nhiên, trái ngược với sự phát triển không ngừng của TPBank, NCB chuyển biến khá chậm sau 5 năm tiến hành tái cơ cấu.
Hơn 5 năm lợi nhuận èo uột
Năm 2011, NHNN đã công bố danh sách 9 NHTMCP yếu kém có nợ xấu cao, lợi nhuận thấp hoặc âm liên tục dẫn đến hụt vốn điều lệ, đặc biệt là rơi vào tình trạng mất hoặc rất căng thẳng về thanh khoản… cần phải tái cơ cấu, trong đó có tên NCB. Tuy nhiên, NHNN đã cho phép nhà băng này tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình, không cần phải sáp nhập với NH khác.
NCB đã được NHNN chấp thuận đề án gia hạn thời gian xử lý đến hết năm 2020 theo lộ trình do NH xây dựng, được giữ nguyên nhóm nợ trong thời gian xử lý và không tiếp tục hạch toán lãi dự thu đối với các khoản nợ này. Song nếu nhìn vào mức lợi nhuận như hiện nay, tăng trích lập các khoản là một điều khó thực hiện với NH. |
Đồng thời, nhóm thành viên HĐQT gồm ông Đặng Thành Tâm, ông Lê Công Trí, ông Nguyễn Quốc Khánh và ông Nguyễn Tri Hổ đã rút lui. 3 thành viên gồm ông Vũ Hồng Nam, bà Nguyễn Thị Mai và ông Mukesh Lalitshanker thay thế cho các thành viên từ nhiệm. Bà Trần Hải Anh, vợ Chủ tịch HĐQT Gami Group Nguyễn Tiến Dũng, giữ chức vụ Tổng giám đốc và cuối năm 2016 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT.
Tháng 11-2017, NH tổ chức ĐHCĐ bất thường đã thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT, trong đó có ông Nguyễn Tiến Dũng được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay vợ là bà Trần Hải Anh.
Sau thay đổi lớn về nhân sự cấp cao, HĐQT mới của NCB đặt kỳ vọng lớn vào sự cải thiện kết quả kinh doanh khi bước vào tái cơ cấu. Song thực tế lợi nhuận của NH tuy tăng trưởng nhưng lại thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Bởi hàng năm NH luôn đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận rất cao, nhưng kết quả thực hiện lại rất thấp.
Cụ thể năm 2013, NCB đã đặt kế hoạch lãi trước thuế đạt đến 120 tỷ đồng, cao hơn 116,5 tỷ đồng so với năm 2012. Song kết quả chỉ thực hiện được 23,92 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu còn gia tăng từ 5,64% lên 6,07%. Dù vậy, NH vẫn tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 96,3 tỷ đồng cho năm 2014 và giảm tỷ lệ nợ xấu về mức 3%. Cuối năm 2014, NCB chỉ đạt 75 tỷ đồng lợi nhuận.
Năm 2015, NH báo cáo lợi nhuận tăng mạnh lên mức đạt 111 tỷ đồng, nhưng đây lại là mức lợi nhuận trước trích lập dự phòng theo đề án tái cấu trúc. Sau trích lập, lợi nhuận trước thuế là 7,4 tỷ đồng. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của NH chỉ đạt 13,5 tỷ đồng và năm 2017 cán mốc 31 tỷ đồng đã là mức đỉnh trong vòng 7 năm của NH.
Năm nay, NH khiêm tốn hơn khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khá thấp chỉ 35 tỷ đồng. Song theo báo cáo bán niên, lợi nhuận sau thuế của NH trong nửa đầu năm mới đạt 15,6 tỷ đồng. Trong khi đó, TPBank cũng tự tái cơ cấu cùng đợt với NCB đã gia nhập nhóm NH có lợi nhuận ngàn tỷ với 1.205 tỷ đồng vào cuối năm ngoái, và 9 tháng năm 2018 đạt hơn 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Giao dịch tại NCB.
Nan giải bài toán vốn và trích lập dự phòng
Hiện nay, NCB đang nằm trong nhóm các NHTMCP có lãi suất huy động cao nhất thị trường. Theo bảng lãi suất niêm yết, các kỳ hạn 6-8 tháng hưởng lãi đến 7,4%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng là 7,5%/năm, các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và 24 tháng áp dụng lãi suất 8%/năm. Ngoài ra, gửi tiết kiệm trực tuyến, tiết kiệm lũy tiến, khách hàng còn được hưởng lãi suất trên 8% nhờ các ưu đãi cộng thêm. Lãi suất tiền gửi cao nhưng huy động vốn của NH không tăng, 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã giảm 1,7%.
Để cải thiện nguồn vốn, NH này đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá, chỉ trong 6 tháng đầu năm, huy động giấy tờ có giá đạt 11.123 tỷ đồng, gấp đôi con số đầu năm. Chính vì vậy, chi phí lãi và các chi phí tương tự của NH cũng rất cao.
Năm 2017, thu nhập lãi đạt 4.437 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi chiếm 3.319 tỷ đồng, nên thu nhập lãi thuần chỉ còn 1.117 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, thu nhập từ lãi và các khoản tương tự đạt 2.291 tỷ đồng, chi phí lãi và các chi phí tương tự chiếm 1.804 tỷ đồng, do đó thu nhập lãi chỉ còn 487,7 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận của NH cũng khó tăng mạnh.
Một phần khác cũng bào mòn lợi nhuận là khoản quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và các khoản để xử lý theo đề án tái cấu trúc hàng năm. Tính từ năm 2014 đến cuối tháng 6-2018, các khoản để xử lý theo đề án tái cấu trúc của NH đạt khoảng 471 tỷ đồng, và dành hơn 215 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng.
Tuy nhiên, các khoản này vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu trích lập của NH. Nợ xấu của NCB từ 6,07% cuối năm 2013 đến nửa đầu năm 2018 còn 2,1%. Động lực để tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh là nhờ NH bán nợ cho VAMC và đang nắm giữ khoảng 6.500 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt.
Hiện NCB không cho thấy áp lực trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt khi quy mô dự phòng cho khoản này chỉ ở mức 90 tỷ đồng. Điều này xuất phát từ việc thời hạn trái phiếu đặc biệt được kéo thêm 5 năm, như vậy thời điểm đáo hạn rơi vào các năm 2023-2027 nên vẫn còn thời gian để xử lý. Đây cũng là một bài toán mà NH phải giải trong các năm tới.
Bởi ngoài nguồn trích lập dự phòng này, NH còn có nhiều hoạt động mua bán nợ vẫn chưa trích lập, như NH đã bán nợ với giá trị 1.539 tỷ đồng cho công ty mua bán nợ Quốc tế, 786 tỷ đồng cho công ty mua bán nợ miền Bắc và 685 tỷ đồng cho công ty mua bán nợ Thế hệ mới, nhưng không nhận tiền mặt mà chỉ ghi nhận vào báo cáo tài chính, đây là các khoản phải thu.
Đường tăng vốn gập ghềnh
Cũng như các NHTM khác trong hệ thống, tăng vốn là một yêu cầu quan trọng với NCB để thúc đẩy tái cơ cấu. Tuy nhiên, nhiều năm qua kế hoạch tăng vốn vẫn chỉ nằm trên giấy. Năm 2014, NH dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên 4.510 tỷ đồng. Năm 2017, NH lại lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.010 tỷ đồng lên mức 6.010 tỷ đồng, và công cuộc tìm kiếm cổ đông chiến lược của NCB đã được tái khởi động lại. NH cho biết đã có rất nhiều định chế tài chính quốc tế quan tâm và đang bước vào giai đoạn cuối lựa chọn nhà đầu tư để đàm phán.
Đường tăng vốn gập ghềnh
Cũng như các NHTM khác trong hệ thống, tăng vốn là một yêu cầu quan trọng với NCB để thúc đẩy tái cơ cấu. Tuy nhiên, nhiều năm qua kế hoạch tăng vốn vẫn chỉ nằm trên giấy. Năm 2014, NH dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên 4.510 tỷ đồng. Năm 2017, NH lại lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.010 tỷ đồng lên mức 6.010 tỷ đồng, và công cuộc tìm kiếm cổ đông chiến lược của NCB đã được tái khởi động lại. NH cho biết đã có rất nhiều định chế tài chính quốc tế quan tâm và đang bước vào giai đoạn cuối lựa chọn nhà đầu tư để đàm phán.
Tháng 4-2018, ban lãnh đạo NCB lại trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng, để nâng vốn điều lệ lên hơn 5.000 tỷ đồng vào cuối 2018, với sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài. Nhưng hiện đã sắp hết tháng 10, NH vẫn chưa có thông tin về vấn đề này, và báo cáo vào cuối tháng 6 cho thấy vốn điều lệ vẫn nằm yên ở mức 3.010 tỷ đồng.
Gần đây, giới đầu tư nước ngoài liên tục đổ vốn vào các NH Việt Nam thông qua nhiều hình thức. Nhờ đó, nhiều NH cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, tại NCB, việc tìm kiếm đối tác ngoại lại có vẻ gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, điều này cũng dễ lý giải. Qua 5 năm tái cơ cấu, hoạt động NCB đến nay cũng chưa có nhiều nổi bật trên thị trường và liên tục là NH có lợi nhuận thấp nhất hệ thống, giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp. Như vậy, dù có nhiều thay đổi về chất lượng hoạt động, nhưng để kéo được nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu, NH này còn phải giải quyết các vấn đề về hoạt động mới đủ sức hút để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.