Sẵn sàng nguồn tiền
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố thông tin liên quan đến phiên IPO dự kiến tổ chức ngày 17-1 tới. Cụ thể, sau khi kết thúc thời gian đăng ký, có đến 4.080 NĐT tham gia đấu giá với khối lượng gần 652 triệu cổ phần (gấp 2,7 lần lượng chào bán).
Trong đó, 3.958 NĐT trong nước đăng ký mua 248 triệu cổ phần, 7 NĐT cá nhân nước ngoài đăng ký mua 38.100 cổ phần; 48 tổ chức đăng ký mua hơn 65 triệu cổ phần và 67 NĐTNN là tổ chức đăng ký mua hơn 338,6 triệu cổ phần. Với mức giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần, ước tính SBR thu về tối thiểu 3.527 tỷ đồng nếu bán hết 7,8% vốn (tương đương 241,6 triệu cổ phần).
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 68/190 (tăng 14 bậc so với năm trước). Sự cải thiện của môi trường kinh doanh tiếp tục trở thành yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài dồi dào trong năm 2018. |
Việc NĐTNN từ cá nhân đến tổ chức đăng ký mua với số lượng nhiều hơn số cổ phần chào bán, cho thấy sức nóng của BSR trong phiên IPO. Trước đó, trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào BSR, Polestar Inc., doanh nghiệp chuyên vận chuyển dầu và khí của Hoa Kỳ, đã thông qua người đại diện ở Việt Nam đặt vấn đề mua 49% cổ phần bán ra của BSR.
Sau phiên chào sàn thành công ngày 5-1 (tăng kịch trần 20%), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) trở thành tâm điểm của NĐTNN với giá trị mua ròng trong 6 phiên giao dịch gần đây, đạt trên 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự kiện NĐT đến từ Thái Lan bỏ ra gần 5 tỷ USD để sở hữu hơn 53% cổ phần tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), là thương vụ thâu tóm đình đám nhất năm 2017 của NĐTNN.
Trước đó, Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã chào bán thành công 3,33% vốn điều lệ (tương đương 48,3 triệu cổ phần) tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Phiên đấu giá có sự tham gia của 19 NĐT, nhưng chỉ 1 NĐTNN là tập đoàn đến từ Singapore Jardine Cycle & Carriage (JC&C) chào mua thành công, toàn bộ số cổ phần này với giá đặt mua lên đến 186.000 đồng/cổ phần.
Chấp nhận mua giá cao
Chấp nhận mua giá cao
Theo thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và tăng thêm trong năm 2017 đạt 29,7 tỷ USD (tăng 44,2% so với năm 2016). Cùng với FDI, vốn đầu tư góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN (FII) năm 2017 cũng tăng hơn 45% (đạt 6,2 tỷ USD). FII tăng mạnh một phần đến từ quyết định thu gom cổ phần cao hơn thị giá trên TTCK của NĐTNN.
Đơn cử, với mức giá chào mua lên đến 186.000 đồng/cổ phần, JC&C chấp nhận mua số cổ phần của Vinamilk cao hơn 24% so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần. Nhờ vậy, SCIC đã thu về gần 9.000 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phần tại Vinamilk, vượt dự báo trước đó chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng.
Tương tự, đợt chào bán 343,6 triệu cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco, tỷ phú người Thái đã chấp nhận mua toàn bộ số cổ phần này với tổng số tiền lên đến 110.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường tại thời điểm đấu giá hơn 3.400 tỷ đồng.
Nhiều tổ chức và cá nhân nước ngoài đang chờ cơ hội để mua cổ phần BSR.
Việc NĐTNN chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn giá thị trường, phần nào cho thấy các doanh nghiệp có tiềm năng đã nằm trong tầm ngắm, chờ có cơ hội để giải ngân. Thực tế, nhiều quỹ lớn đầu tư vào thị trường mới nổi và thị trường khu vực đang muốn nâng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam bằng cách tham gia các thương vụ lớn.
Chính vì vậy, mức định giá cao thoạt nhìn có vẻ là bất hợp lý, nhưng nếu nhìn về dài hạn hoàn toàn hợp lý đối với các doanh nghiệp tốt nhất ở những ngành có tiềm năng tăng trưởng vượt trội so với khu vực.
Theo TS. Quách Mạnh Hào, mua 53% vốn của Sabeco là thương vụ bình thường xét ở khía cạnh giao dịch tài chính thâu tóm. Việc đại gia bia Thái Lan thực hiện thương vụ thông qua 1 công ty trong nước là bước đi được tính toán kỹ, chứng tỏ quyết tâm mua bằng được và mua đa số cổ phần của Sabeco.
Xét ở khía cạnh định giá doanh nghiệp theo thông lệ thị trường, mức P/E 45x rõ ràng cao hơn hẳn so với trung bình P/E 22x của doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực. Thế nhưng, đầu tư tài chính không phải là mục tiêu trong trường hợp này, mà là những toan tính về giá trị cộng hưởng tiềm năng từ thị trường bán lẻ.
Vì thế, tỷ phú Thái Lan khi tỏ rõ sự tham vọng chiếm lĩnh thị trường này chắc hẳn đã tính toán rất kỹ. Theo đó, dù giá trị CP đã giảm 10% chỉ trong 2 ngày sau khi thương vụ hoàn tất, nhưng NĐT này vẫn kỳ vọng giá trị thu về sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra từ việc mua giá cao.
Kích thích vốn ngoại tham gia
Kích thích vốn ngoại tham gia
Những bước đi cuối năm 2017 cho thấy sự chuyển biến mạnh trong vấn đề cơ cấu lại, thoái vốn và đốc thúc thực hiện niêm yết tại doanh nghiệp nhà nước. Các quy định mới của Chính phủ đã thiết lập lộ trình nhằm đảm bảo các doanh nghiệp IPO sắp tới phải thực hiện việc niêm yết trong vòng 1 năm từ năm 2018. Đây là thay đổi quan trọng theo hướng tích cực cho việc gia tăng hàng hóa chất lượng trên TTCK Việt Nam.
Theo tính toán của CTCK Maybank KimEng (MBKE), chỉ riêng 15 công ty lớn chưa niêm yết (đã có kế hoạch IPO), giá trị vốn hóa cộng thêm cho thị trường đã xấp xỉ 9 tỷ USD. Cùng với các đợt IPO lớn sẽ diễn ra trong năm 2018, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp cũng được kỳ vọng diễn ra nhanh và mạnh hơn. Theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ có hơn 150 công ty nằm trong diện thoái vốn trong năm nay và đây sẽ là năm trọng điểm nhất trong việc thoái vốn giai đoạn 2018-2020.
Sau những thành công tốt đẹp từ việc thoái vốn tại Vinamilk, Sabeco và sắp tới là BSR, là cơ sở để tin tưởng việc tiếp tục thực hiện thoái vốn thành công trong năm 2018. Điều này sẽ tạo thêm nhiều hàng hóa chất lượng trên thị trường, qua đó giúp kích thích mạnh hơn dòng vốn ngoại tham gia, cũng như giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh tại các công ty hậu thoái vốn.
Đối với khối ngoại, đây cũng chính là cơ hội để tham gia những doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam mà họ khó có thể tìm kiếm ở nơi nào khác trong vài năm tới.