Đại diện các doanh nghiệp vận tải tại Huế và Đà Nẵng đều bức xúc cho rằng, trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá lần này là cú "đá bồi" khi mà người dân và ngành vận tải đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, khốn đốn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra.
Từ 0 giờ ngày 1-5, trạm BOT Bắc Hải Vân áp dụng mức thu phí cho 5 loại phương tiện qua trạm này, trung bình từ 110.000 - 280.000 đồng/xe, tăng từ 30.000 đến 70.000 đồng/xe so với múc thu của trạm này trước ngày 1-5 và gấp 3 lần so với các trạm thu phí khác trên cung đường này.
Cũng từ thời điểm trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá, tại khu vực Bắc – Nam chân đèo Hải Vân, nơi từng xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm nhiều người chết, bỗng chốc lại xảy ra cảnh dồn cục của từng đoàn xe con biển số Hà Nội, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế nối đuôi nhau lên đèo.
Lượng xe nhiều, nối đuôi nhau tại các khúc cua "tay áo" và các vị trí làn đường có vạch kẻ liền cấm vượt, xe cộ nhích từng bước.
Ông Phạm Văn Đông, chủ quán cà phê giữa chân đèo Hải Vân cho biết, kể từ khi ngành giao thông đưa vào khai thác hầm đường bộ Hải Vân từ năm 2005 thì đây là lần đầu, cung đường đèo này vốn chỉ giành cho xe chở chất dễ gây cháy nổ (vũ khí, gas, xăng, dầu) và chở gia súc lại có đông đúc các loại phương tiện xe con, xe tải đông đúc như vậy.
Trong khi đó, anh Thường Xuân (TP Huế) bày tỏ âu lo: “Khi phí qua hầm Hải Vân tăng, người dân chọn cách vượt đèo. Không biết cách này có giúp họ tiết kiệm hơn không, nhưng nó cũng là một vấn đề cần suy ngẫm”.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, phần lớn phương tiện đi đường đèo Hải Vân mấy ngày qua là xe của người dân đi du lịch. Phần vì phí tăng, phần vì muốn đi đường đèo để ngắm cảnh.
“Cơ quan chức năng sẽ họp bàn để có phương án đảm bảo an toàn giao thông trên cùng đường đèo này”, vị lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc cho biết.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT lùi thời điểm áp dụng quyết định tăng phí dịch vụ phương tiện qua trạm BOT Bắc Hải Vân đến ngày 1-6.
Lý do, kinh tế đang trong quá trình phục hồi do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên cần có lộ trình tăng phí hợp lý. Bộ GTVT xác nhận đã nhận được văn bản kiến nghị nhưng chưa có thông tin phản hồi.
Liên quan đến việc tăng giá, trong thông báo gửi các cơ quan báo chí, đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả lý giải về việc điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân là sau khi khánh thành, nhà đầu tư tạm gác lại những khó khăn về tài chính của dự án vẫn đang còn tồn tại, chủ động đề xuất cơ quan chức năng đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động từ ngày 1-2-2021.
“Đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành các nghĩa vụ của hợp đồng với cơ quan nhà nước khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án. Trên cơ sở hợp đồng đã ký kết, Bộ GTVT đã có văn bản số 3370/BGTVT-ĐTCT ngày 16-4-2021 đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 khi đưa vào khai thác. Việc điều chỉnh giá vé thực hiện theo lộ trình của hợp đồng dự án đã ký kết; giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ, người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ”, thông báo nêu rõ.