Hiện nay, hiện giờ làm việc trên cả nước từ 7 giờ 30 đến 17 giờ, thời gian nghỉ trưa từ 1,5 tiếng đến 2 tiếng. Qua tính toán các khung giờ, điều kiện Việt Nam cũng như so sánh kinh nghiệm thế giới, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.
Cụ thể, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đổi giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ 30, kết thúc lúc 17 giờ, thời gian nghỉ trưa chỉ nên kéo dài một giờ. Riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.
Nếu đổi theo giờ làm việc này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho biết sẽ không cần phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ngoài ra, hiệu quả của xe buýt cũng sẽ tốt hơn khi có thể phục vụ cho người dân từ 6 giờ đến 8 giờ 30 so với hiện nay. Việc lùi giờ làm việc muộn hơn cũng sẽ tốt cho sức khoẻ người lao động và hiệu quả công việc.
"Các nghiên cứu về việc nghỉ trưa ngắn khoảng 20 đến 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, nâng cao hiệu quả làm việc. Trong khi đó, giờ nghỉ trưa kéo dài thì có nguy cơ mắc bệnh huyết áp, mỡ máu, tim mạch...", ĐB Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, giờ làm muộn hơn cũng giúp các gia đình có đủ thời gian trong buổi sáng để cha mẹ lo bữa ăn cho con, quan tâm đến con nhiều hơn. Sẽ không còn thấy hình ảnh mẹ chở con đi học vội vã, con ngồi sau một tay cầm ổ bánh mì, một tay cầm hộp sữa, vừa không tốt cho sức khoẻ trẻ em, vừa mất an toàn giao thông.
Từ phân tích trên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho nghiên cứu việc đổi giờ làm, trong đó bao gồm cả việc lấy ý kiến đầy đủ từ người dân đến doanh nghiệp, tổ chức hội thảo đánh giá tác động với các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá đầy đủ tác động và tính hiệu quả của việc đổi giờ làm.