Nên tính giá điện theo giờ cao điểm, thấp điểm

(ĐTTCO)-Nhiều người tiêu dùng đang băn khoăn với câu hỏi: Tại sao hiện nay nguồn điện dư thừa công suất, dự kiến năm 2021 phải cắt giảm gần 1,7 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo nhưng giá điện vẫn không giảm? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Nên tính giá điện theo giờ cao điểm, thấp điểm

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, mới đây ông có đề xuất nên giảm giá điện vào ban đêm so với ban ngày, vì sao?

Ông NGUYỄN TIẾN THỎA:
- Sở dĩ tôi đề xuất như vậy là vì lâu nay ngành điện liên tục than phiền căng thẳng về phụ tải, có lúc thừa công suất, lưới truyền tải bị quá tải hoặc nhiều thủy điện phải tạm ngưng để ưu tiên cho năng lượng tái tạo.

Do tình hình bây giờ, cơ cấu nguồn điện đã thay đổi, nhất là từ khi năng lượng tái tạo phát triển thì nguồn điện vào giờ cao điểm và thấp điểm khác so với trước nên cần phải tính toán lại để phù hợp với thực tế mới.

Ban đêm là giờ thấp điểm thì ngành điện nên tính giá điện thấp hơn ban ngày để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chuyển sang hoạt động vào ban đêm để giảm phụ tải cho ban ngày, qua đó giúp sản xuất hiệu quả hơn, đồng thời để truyền tải điện ban ngày không bị căng thẳng như hiện nay, không cần phải huy động các nguồn điện đắt tiền (như nhiệt điện than, nhiệt điện khí) cho phụ tải.

Còn về giá điện sinh hoạt, hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nên tính theo giờ thay vì cách tính thang bậc để có lợi cho người sử dụng, ông có ý kiến như thế nào?

- Hiện nay, chúng ta đang áp dụng biểu giá điện sinh hoạt theo 6 bậc thang. Năm 2020, Bộ Công thương đã trình ra 2 phương án tính giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm “5 bậc thang” và “1 giá điện” để xin ý kiến về việc thay đổi cách tính giá điện sao cho phù hợp.

Về hình thức tính giá bán điện theo giờ, hiện nay với điện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang áp dụng hình thức bán điện “3 giá” theo giờ bình thường, giờ cao điểm (từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 17 giờ đến 20 giờ) và giờ thấp điểm (từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng). Vì vậy, nếu điện sinh hoạt cũng được tính giá theo giờ cao điểm, thấp điểm thì chắc chắn người sử dụng điện sinh hoạt sẽ được lợi hơn hiện nay.

Trên thế giới, người ta không chỉ tính giá điện theo giờ mà còn tính theo mùa. Trước đây, tôi cũng đã có ý kiến, kể cả đề xuất cách tính giá điện theo vùng (khu vực). Về việc điều chỉnh giá điện theo mùa, vài năm trước, Chính phủ đã giao cho Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) và EVN nghiên cứu.

Nếu làm được thì giá điện, cách tính giá điện sẽ rất mạch lạc, mùa mưa giá điện sẽ rẻ hơn, mùa khô (nắng) giá điện sẽ cao hơn do phải huy động các nguồn năng lượng có chi phí, giá thành cao.

Theo ông, có nên áp dụng cơ chế điều tiết giá điện định kỳ như giá xăng dầu hiện nay không?

- Hiện nay, giá điện được quy định cứ 6 tháng xem xét điều chỉnh một lần. Nhà nước giao Bộ Công thương chủ trì thành lập tổ kiểm soát giá thành điện, gồm đại diện của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Thanh tra Chính phủ… sau đó công bố các yếu tố cấu thành giá điện để nghiên cứu điều chỉnh giá điện.

Người sử dụng điện cần nhất là phải có giá minh bạch vì lâu nay vẫn có dư luận cho rằng EVN đưa một số khoản chi phí đầu tư không hợp lý vào để tính giá điện.

Cho nên, cần phải thành lập một tổ điều hành giá điện, hoạt động khách quan để tính toán lại giá thành, chi phí sản xuất, chi phí quản lý của EVN; khoản nào được phép hạch toán vào giá thì đưa vào, không được hạch toán thì “bóc” ra, tránh tình trạng cứ tháng 4, tháng 5 hàng năm là giá điện lại “bùng lên” mà không có giải đáp thỏa đáng, dẫn đến việc người tiêu dùng đồng thuận với ngành điện còn chưa cao.

Nhiều người dân thắc mắc, tại sao hiện nay điện thì dư thừa mà giá lại không giảm? 

- Rất nhiều người cũng hỏi tôi, bây giờ điện thừa thì có nên giảm giá không? Theo tôi, về nguyên lý của cơ chế thị trường, khi cung lớn hơn cầu thì giá sẽ vận động theo xu hướng giảm. Đó là nguyên tắc của kinh tế thị trường, điện cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.

Tuy nhiên, điện của mình thực hiện đa mục tiêu theo Luật Điện lực: vừa tiết kiệm năng lượng, vừa khuyến khích đầu tư… nên giảm hay không phải cân nhắc kỹ vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác để vừa đáp ứng nguyện vọng của khách hàng, vừa phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhưng trong bối cảnh thừa điện, vào mùa nắng nóng năm nay liệu EVN có cơ sở để tăng giá điện hay không?

- Giá điện là do Bộ Công thương điều chỉnh, còn EVN chỉ là đơn vị thực hiện. Nhưng theo tôi, hiện nay, theo cơ cấu nguồn và xem xét tất cả các chi phí thì chưa có vấn đề gì để tăng giá điện.

Theo tôi, EVN cũng phải tự tính toán để tiết kiệm chi phí. Còn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nếu nói chuyện tăng giá điện sẽ không tạo được sự nhất trí, đồng thuận.

Tại cuộc họp mới đây với tân Bộ trưởng Bộ Công thương, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã đề xuất tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện. Quan điểm của ông thế nào?

- Thực tế, khi chúng ta xây dựng được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì áp dụng cơ chế này là rất tốt. Người tiêu dùng được tự lựa chọn đơn vị bán điện và cách thức bán sao cho lợi nhất.

Lợi ích thì thấy rõ, giá điện chắc chắn sẽ thấp hơn; hao hụt điện trong tiêu dùng trực tiếp cũng ít hơn. Hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư thí điểm thực hiện cơ chế này và tôi tin rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp mong đợi.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều hành.

Các tin khác