Nga: Cho xuất khẩu trứng cá tầm

Đối với người Nga, món trứng cá tầm (caviar) là đặc sản số 1 phải ăn trong dịp năm mới. Niềm vui càng nhân bội khi mới đây, cơ quan ngư nghiệp Lliên bang Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trứng cá tầm qua Liên minh Châu Âu (EU) vốn có hiệu lực từ năm 2002.

Đối với người Nga, món trứng cá tầm (caviar) là đặc sản số 1 phải ăn trong dịp năm mới. Niềm vui càng nhân bội khi mới đây, cơ quan ngư nghiệp Lliên bang Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trứng cá tầm qua Liên minh Châu Âu (EU) vốn có hiệu lực từ năm 2002.

Thoạt đầu, lượng trứng cá tầm xuất khẩu chỉ 150kg/năm, chủ yếu từ các trại giống ở miền Trung nước Nga. Do phải mất 5 năm để cá tầm lớn nên cơ quan ngư nghiệp hy vọng nhờ áp dụng các kỹ thuật thu hoạch trứng không giết cá, 5 năm nữa trứng cá tầm sẽ là nguồn “vàng đen” phong phú đáp ứng cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ tăng khi các trại cá tầm ở những vùng Rostov, Kaluga, Astrakhan và Novosibirsk đến kỳ thu hoạt và sẽ đạt 10-15 tấn trứng cá/năm.

Quyết định cho phép xuất khẩu nhằm tránh nạn câu trộm nhưng cũng sẽ không khiến trứng cá tầm rớt giá, vì đây là món ăn đắt giá luôn được giới triệu phú thế giới khoái khẩu. Giá chợ đen ở Mátxcơva khoảng 1.600USD/kg và được rao bán 5.000USD/kg trên vài trang web tại châu Âu. Do lượng cá tầm bị đánh bắt lậu nhiều nên từ ngày 1-8-2007 Nga đã ban hành lệnh cấm bán trứng cá.

Trứng cá tầm vì thế được bán với giá cắt cổ nếu so với mức thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân Nga, những người chỉ có thể ăn trứng cá tầm (kèm với bánh mì, bơ và uống vodka) nhân những sự kiện lễ, Tết. Ban đầu trứng cá tầm chỉ là món ăn bình thường của ngư dân vùng duyên hải Caspian. Dần dần nó trở thành một biểu tượng của sự giàu sang, đặc sản của riêng những ông hoàng và quý tộc.

Từ năm 1991, lượng cá tầm sụt giảm do nạn câu trộm và đánh bắt quá mức cho phép dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì thế, Nga phải ngừng việc xuất khẩu trứng cá tầm nhưng hoạt động tại thị trường chợ đen vẫn đạt doanh số 1 tỷ USD.

Theo Báo Independent (Anh), hiện sản lượng khai thác trứng cá tầm hoang ở thị trường Nga chỉ giới hạn 9 tấn/năm, nên một hộp nhỏ chứa vài muỗng trứng nhỏ xíu cũng bán được 100 bảng Anh ở Mátxcơva. Nhiều nơi tại Mátxcơva bán trứng cá tầm với giá chợ đen khoảng 1.000 bảng/kg. Các thành phố thuộc vùng biển Caspian (chiếm 4/5 nguồn cá tầm hoang) như Astrakhan, hàng ngàn người kiếm sống nhờ trứng cá tầm chợ đen.

Lãnh đạo cơ quan ngư nghiệp, ông Andrei Krainy cho biết: “Do nguồn cầu trứng cá tầm Nga ở châu Âu là vô hạn nên những người bán lẻ biết dù hét giá bao nhiêu cũng bán hết hàng. Chính phủ Nga đang siết chặt các đạo luật xử phạt người câu trộm trứng cá tầm, đặt dạng tội phạm này ngang tội buôn lậu ma túy”.

Những năm qua, 5 quốc gia vùng biển Caspian (gồm Nga, Iran, Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaijan) đã đạt được thỏa thuận cấm đánh bắt cá tầm trong khu vực, nhưng đến nay những thỏa thuận này chưa đạt hiệu lực. Nhóm quốc gia này cũng đồng ý không xuất khẩu cá tầm do nguy cơ tuyệt chủng.

Còn các nhà bảo tồn quỹ động vật hoang dã yêu cầu phải cấm đánh bắt hoàn toàn mới cứu được chúng. Loài cá này có thể lớn 5m chiều dài và đã hiện hữu từ thời khủng long. Chúng có thể sống lâu 100 năm và phải mất thời gian dài mới trưởng thành sinh đẻ, nên một khi nguồn cá cạn kiệt, sẽ mất một thời gian dài mới tái phát triển.

Các tin khác