Sau Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản, đến lượt Nga tổ chức trọng thể Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, dự kiến từ ngày 22 đến 24-10 tới. Moscow không còn che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại lục địa đen trên con đường khôi phục hào quang của nước Nga trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6-2019
Đôi bên cùng có lợi
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên được tổ chức tại TP Sochi (Nga) lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đón tiếp 35 vị nguyên thủ đến từ châu Phi. Điện Kremlin cho biết đây là cơ hội để các bên thảo luận về các vấn đề chính trị và kinh tế, về những ưu thế của nước Nga qua các chương trình hợp tác có lợi cho cả đôi bên.
Trên thực tế, sau gần 3 thập niên để phương Tây rồi Nhật Bản, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, ngay từ nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã quyết định quay trở lại châu lục này bởi Nga và châu Phi cùng chia sẻ nhiều quyền lợi chung.
Chuyên gia Arnaud Dubien thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp (IRIS) lưu ý, Moscow luôn duy trì ảnh hưởng, dù đấy chỉ là một sự hiện diện khiêm tốn tại nhiều nước châu Phi, từ Algeria đến Libya, Ai Cập.
Chẳng hạn với Cairo, cuối năm 2017, hai bên đã thông báo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân và rất nhiều hợp đồng mua bán vũ khí quan trọng. Về mặt chính thức, Moscow đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với chính quyền Mali hồi tháng 6-2019, trước đó nữa là với Burkina Faso hay với Congo...
Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, khẳng định châu Phi là một lục địa quan trọng; Nga luôn hiện diện ở châu Phi và sẽ đưa ra các điều khoản hợp tác đôi bên cùng có lợi với các quốc gia tại khu vực.
Trong khi đó, chuyên gia Yevgeny Korendyasov của Viện Nghiên cứu về châu Phi tại Moscow, cựu Đại sứ Nga tại Burkina Faso và Mali, nhận định hội nghị thượng đỉnh lần này là dấu hiệu rõ ràng nhất về việc hướng về châu Phi của Nga.
Hợp tác quân sự và kinh tế
Một điểm mạnh của Moscow trong mắt các đối tác châu Phi là vũ khí. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), 35% vũ khí của châu Phi do Nga cung cấp.
Ngoài quân sự, hợp tác kinh tế cũng là một ưu tiên trong quan hệ giữa Nga và châu Phi. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này Moscow đi chậm hơn so với các đối thủ. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Nga và các đối tác châu Phi chỉ đạt 17 tỷ USD, chưa bằng 1/10 so với giao thương giữa châu lục này với Trung Quốc. Ngoài vũ khí, Nga cũng không có nhiều mặt hàng để chinh phục người tiêu dùng châu Phi. Khả năng tài chính của Moscow cũng không cho phép đưa ra các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng như Bắc Kinh. Tuy nhiên, Nga rất quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên ở lục địa đen và như vậy, Nga có thể đề nghị với các đối tác châu Phi cùng thăm dò và khai thác từ đất hiếm đến mỏ vàng, đồng và cả dầu khí.
Arnaud Kalifa, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, cho rằng thượng đỉnh Sochi lần này là cơ hội để nước Nga đẩy mạnh hợp tác, bù đắp lại thời gian đã bỏ lỡ với châu Phi, lôi kéo châu lục này về phía mình để làm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế đã quá lớn của Trung Quốc, đồng thời thu hẹp bớt ảnh hưởng chính trị, ngoại giao của phương Tây với châu Phi.
Với những thắng lợi quân sự quan trọng tại Trung Đông, đảo ngược tình thế tại Syria, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ dần xa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, thắt chặt quan hệ với 2 đối thủ của Mỹ là Iran và Trung Quốc, vồn vã với những đồng minh của Washington tại châu Á, từ Hàn Quốc đến Philippines và giờ đây là châu Phi, Moscow đang cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường khôi phục vị thế của một cường quốc trên trường quốc tế.