Việc tước bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga mở đường cho Hoa Kỳ và các đồng minh áp thuế lên nhiều loại hàng hóa của Nga, điều này sẽ gây áp lực lên một nền kinh tế đang đi vào suy thoái.
Việc xóa bỏ quy chế "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" của Nga với Hoa Kỳ sẽ làm leo thang đáng kể sức ép đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã bỏ phiếu thông qua đạo luật cung cấp 13,6 tỷ USD để giúp Ukraine tài trợ đạn dược và các vật tư quân sự khác, cũng như hỗ trợ nhân đạo.
Hôm thứ Ba 8/3, ông Biden đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga ngay lập tức.
Liên minh châu Âu sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khí đốt hoặc dầu của Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết trong một video đăng trên trang Facebook của ông hôm thứ Sáu, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Pháp.
Sau 3 tuần chiến đấu, Nga đã không đạt được các mục tiêu đã đề ra là giải giáp quân đội Ukraine và lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ, nhưng nó đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và buộc hơn 2 triệu người phải rời bỏ đất nước.
Ông Putin hôm thứ Năm thừa nhận đã có "vấn đề và những khó khăn "ở Ukraine nhưng nói rằng Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn từ cuộc chiến.
Truyền thông ở Nga bị cấm đưa tin bất kỳ điều gì khác ngoài đường lối của Điện Kremlin về các sự kiện ở Ukraine, bao gồm các cáo buộc trong tuần này rằng Mỹ đang bí mật phát triển vũ khí sinh học ở đó.
Các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập vào thứ Sáu theo yêu cầu của Nga để thảo luận về các cáo buộc của Moscow, mà Washington đã mô tả là thông tin sai lệch.
Cuộc chiến thông tin cũng diễn ra trên mạng xã hội, với việc Nga yêu cầu Washington dừng "các hoạt động cực đoan" của chủ sở hữu Facebook Meta Platforms (FB.O), đơn vị tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm bạo lực nhắm tới quân đội và giới lãnh đạo Nga.