Ở Việt Nam đang có không ít đại gia luôn chi những khoản tiền lớn cho các thú chơi xa xỉ. Họ dễ dàng quyên góp trăm tỷ đồng để xây chùa, hoặc tự bỏ ra triệu USD để chạy đua mua sắm siêu xe, nhưng không mấy ai quan tâm tài trợ cho các chương trình nhân đạo trên truyền hình. Vì vậy, hành động của ca sĩ Hà Anh Tuấn đối với chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, có thể xem như trường hợp hy hữu.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi là người hâm mộ “Như chưa hề có cuộc chia ly” từ số đầu tiên cách đây 13 năm. Đối với tôi, “Như chưa hề có cuộc chia ly” không phải là "show", mà là câu chuyện văn hóa đại diện cho bản sắc hướng thiện của người Việt Nam. Các cuộc đoàn tụ mà đội ngũ những con người nhân ái của chương trình này tạo nên trong suốt 134 số vừa qua, là cái kết có hậu cho biết bao số phận buồn của đồng bào, mà phần lớn do chiến tranh gây ra. Vì thế, những xúc cảm được tạo ra từ chương trình không đơn thuần là sự rung động, đã trở thành nguồn cảm hứng sống biết ơn, đóng góp và yêu nước.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn.
Cá nhân tôi và Công ty Viet Vision đến với “Như chưa hề có cuộc chia ly” không với tư cách nhà tài trợ hay nhà đầu tư, mà đơn giản là muốn góp ít sức cho cả hành trình nhân văn. Đó là việc cần làm nên chúng tôi làm ngay khi mình còn có thể. Chúng tôi muốn hành động thiết thực, cụ thể của mình sẽ truyền cảm hứng cho những thế hệ đồng trang lứa và trẻ hơn, tùy theo sức, tùy theo khả năng để có thể yểm trợ chương trình theo nhiều cách khác nhau. Cao hơn hết, tôi hy vọng những hồ sơ tìm kiếm dở dang sẽ được hoàn thành nhiệm vụ, xóa tan tất cả sự chia ly đau buồn của đồng bào mình”.
Cách đây một thập niên, các chương trình xã hội từ thiện trên truyền hình nở rộ với hàng loạt thương hiệu được yêu thích, như “Vượt lên chính mình”, “Tiếp sức hồi sinh”, “Mở cửa tương lai”, “Kết nối yêu thương”, “Ước mơ từ làng”, “Cùng xây ước mơ”, “Thần tài gõ cửa”… Những người thực hiện các chương trình nhân ái thực tế không có lời nhiều, thậm chí còn phải bỏ tiền túi cho những chi phí mới phát sinh. Nhưng càng đi họ càng thấy ở những nơi vùng sâu vùng xa, người dân còn nhiều khó khăn vất vả, càng cần sự sẻ chia của cộng đồng. Bởi lẽ, nếu ai cũng làm game show giải trí, ai sẽ giúp người nghèo.
Diễn viên Đình Toàn nhiều năm gắn bó với chương trình “Thần tài gõ cửa” của Đài truyền hình Vĩnh Long, thổ lộ: "Vì chương trình hướng đến bà con không chỉ nghèo còn bị khuyết tật, nên làm gì chúng tôi cũng phải chậm rãi, vất vả hơn. Có nhiều nhân vật trong chương trình khiến chúng tôi không cầm được nước mắt”. Một tên tuổi rất được yêu thích với chương trình “Ngôi nhà mơ ước” là MC Đỗ Thụy, cũng thở dài ngao ngán khi đề cập đến việc tìm kiếm tài trợ. MC Đỗ Thụy làm chương trình “Xin chào cuộc sống” với mục đích hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho trẻ em bất hạnh. Chị cho biết chương trình phải đi xin từng “khúc” kinh phí, xin doanh nghiệp rồi xin thêm chính Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM mới có thể làm được vài chục tập.
Hầu hết game show đều hợp tác giữa đài truyền hình và đơn vị tư nhân, nên tài chính phải tự hạch toán. Chương trình nào không xin được tiền, tự động dẹp bỏ, không có chuyện san sẻ lẫn nhau. Có nghịch lý là đài truyền hình cũng cần chương trình nhân ái để tạo uy tín, nhưng cũng cần hơn game show nhí nhảnh để có nguồn lợi vật chất. Trong sự giằng co ấy, mới thấy sức mạnh của đồng tiền ghê gớm như thế nào.
Đại diện một công ty quảng cáo nắm trong tay nhiều game show truyền hình, khẳng định doanh nghiệp nào cũng muốn bán hàng, nên họ không chịu “lãng phí” bỏ tiền cho các chương trình không có khả năng kích cầu thị trường. Bây giờ, dễ lấy tài trợ nhất là những chương trình nói về ẩm thực hoặc chương trình thi thố của trẻ em. Bởi lẽ, các game show ấy được phát vào giờ vàng, nhiều người xem và thông điệp của sản phẩm quảng cáo cũng đánh động nhanh chóng đến người tiêu dùng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ chi tiền cho những chương trình giải trí vô bổ, không đoái hoài đến các chương trình nhân đạo, vì họ chưa có khái niệm “thương hiệu cảm xúc”.
Nếu những chương trình trên truyền hình chọn lựa thước đo duy nhất là tiền bạc, thì thật đáng buồn cho đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt thời hội nhập. Là người đồng hành cùng chương trình “Vượt lên chính mình” từ khi bắt đầu đến khi biến mất, MC Quyền Linh bộc bạch: “Trong 20 năm tôi cảm nhận bất cứ ai đi làm từ thiện chẳng nghĩ mình lấy được cái gì cả. 4-5 giờ sáng thức dậy đi, 11-12 giờ đêm mới được nghỉ. Đi vất vả dễ bị bệnh. Nhưng tôi cứ đi, mình nhìn thấy nụ cười là thấy sướng. Thậm chí mình bệnh cũng kệ. Mình kết nối với mọi người cái đã, bệnh chữa sau cũng được. Đi riết, người nhà từ bỏ tôi hết. Người nhà bảo đám giỗ đám quải tôi cứ đi miết, không có mặt. Rồi đây mọi người sẽ hiểu. Tôi đi sẽ kết nối được nhiều hơn”.
MC Quyền Linh chia sẻ thêm: “Sự có mặt của tôi có giá trị về mặt tinh thần nên tôi rất hạnh phúc. Mọi người không cần bỏ ra hết tiền của mình để làm từ thiện, chỉ cần cái tâm, tấm lòng và bỏ một chút kêu gọi bạn mình, rồi bạn mình kêu gọi người khác thêm. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", tôi luôn cho mình là người kết nối những tấm lòng. Sự kết nối ấy có hiệu quả, đem đến tình tương thân tương ái".