(ĐTTCO) - Cây cà phê “chết dở, sống dở” không chỉ phá sản ước mơ xây dựng thương hiệu cà phê A Lưới mà còn khiến hàng ngàn đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây lâm vào tình cảnh nợ nần.
Đầu ra phá sản
Giữa cánh rừng cà phê bạt ngàn ở xã Nhâm, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), những làn khói nóng, mùi hăng hắc phả vào mặt, tỏa khắp nơi. Vợ chồng chị Hồ Thị Mơn, ở thôn A Bung, xã Nhâm vừa đốt lá khô tại vườn cà phê rộng gần 1ha vừa chặt sát gốc để kịp cho nhân công đào gốc vào ngày hôm sau để chuẩn bị trồng cây sắn.
Theo chị Mơn, vườn cà phê nhà chị trồng từ năm 2001 đang được khai thác. Nhưng từ ngày Công ty Vinacafe Quảng Trị đột nhiên phá sản, ngừng đầu tư phân bón nên cây cà phê cho hạt càng ít dần và giá giảm mạnh, cà phê tươi chỉ còn 3.000 đồng/kg (so với mức 12.000 đồng/kg trước đây), không đủ trả tiền mua giống, phân bón và công hái.
Dẫn chúng tôi đi xem diện tích cà phê còn lại héo hon giữa cái nắng nóng gay gắt, ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm, cho biết, Công ty Vinacafe Quảng Trị thành lập vào năm 2001 thuộc Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị. Công ty Vinacafe Quảng Trị phối hợp cùng người dân địa phương và một số xã trong vùng như Hồng Thượng, Hồng Thái thành lập Nông trường A Lưới trồng 340ha cây cà phê, hoạt động theo hình thức công ty cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, các gia đình góp đất và công chăm sóc, được hưởng lợi sau thu hoạch bình quân 30 - 40 triệu đồng/năm. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì Công ty Vinacafe Quảng Trị phá sản khiến nông dân cũng phá sản theo.
“Xã Nhâm có 528 hộ, 2.228 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Tà Ôi. Trước đây, toàn xã có tới 80% số hộ trồng cà phê nhưng do thua lỗ, cuộc sống của người dân sa sút. Mặc dù huyện chưa có chủ trương từ bỏ cây cà phê, nhưng bản thân các hộ đồng bào đã bỏ hoang không chăm sóc, để cà phê chết dần, chết mòn. Một số hộ chặt phá diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng sắn, chuối, trồng rừng. Hiện chỉ còn 32ha cây cà phê, nhưng đều trong tình trạng thoi thóp chờ chết”, ông Cải nói.
Đổ nợ cho dân
Qua tìm hiểu, do kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn tới Công ty Vinacafe Quảng Trị phá sản nên cuối năm 2010, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị ngừng đầu tư đối với diện tích cà phê tại Nông trường A Lưới. Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm cho biết, việc “bỏ của chạy lấy người” của Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị để lại hậu quả hơn 340ha cà phê hoang tàn và một khu nhà xưởng chế biến xuống cấp, hoen gỉ, gây không ít lãng phí tiền của, đất đai của Nhà nước.
UBND huyện A Lưới có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị giao cho người dân địa phương chăm sóc và hưởng lợi sản phẩm trong thời gian chờ thanh lý. Trên cơ sở đó, đầu năm 2011, UBND huyện thành lập Ban quản lý diện tích cà phê của Nông trường A Lưới, đồng thời cho các hộ dân tạm ứng hơn 130 tấn phân bón với kinh phí 1,2 tỷ đồng.
![]() |
Người dân xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngậm ngùi chặt bỏ cây cà phê thời kỳ thu hoạch để trồng sắn. |
Sản lượng thu hoạch trong niên vụ cà phê năm 2011 gần 1.300 tấn, doanh thu gần 13 tỷ đồng. Điều này đã góp phần giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc các xã vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới. Tuy nhiên, không lâu sau, Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị nộp hồ sơ tuyên bố phá sản lên TAND tỉnh Quảng Trị. Đến tháng 9-2015, TAND tỉnh Quảng Trị có quyết định về việc tuyên bố phá sản Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị và ủy thác Chi cục Thi hành án dân sự huyện A Lưới đưa thông báo nợ về các địa phương.
Ông Trần Ngọc Điểm, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện A Lưới, cho biết, sau khi nhận được ủy thác thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị về việc 721 hộ dân ở huyện A Lưới nợ Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị với số tiền hơn 2 tỷ đồng, đơn vị đã nhiều lần về các xã xác minh nhưng hầu hết các hộ có tên nợ trong danh sách đều cho rằng không mắc nợ. Danh sách các hộ nợ tiền tập trung nhiều nhất ở xã Nhâm. Một số hộ nói, trước đó họ có nợ tiền giống cây cà phê, phân bón nhưng sau khi thu hoạch vụ cà phê đầu tiên thì họ đã nộp sản lượng cà phê lại cho Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị nhưng công ty này quên không trừ ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm phân trần, với số tiền định giá của cơ quan chức năng, một huyện nghèo như A Lưới là điều quá sức. Hơn nữa, đa số các hộ dân tham gia trồng cà phê đều là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn khó khăn. Trước mắt, UBND huyện A Lưới đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét và có chính sách hỗ trợ kinh phí giá trị diện tích cây cà phê để người dân tái sản xuất.