Trong hội nghị ngành diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết việc kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm về thao túng, nội gián còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn.
Tin đồn vẫn chi phối thị trường
Theo ông Bằng, UBCKNN không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đối tượng, cá nhân cung cấp thông tin về dòng tiền, thông tin liên quan đến đối tượng nghi vấn, triệu tập đối tượng liên quan đến làm việc. Bên cạnh đó, việc điều tra, xử lý tội phạm về chứng khoán của cơ quan công an gặp nhiều khó khăn do Bộ Luật hình sự hiện hành quy định cấu thành tội phạm có yếu tố định tính, khó xác định như gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn… Cũng theo ông Bằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, công tác giám sát, thanh, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường được UBCKNN đặc biệt quan tâm và chú trọng triển khai, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an. Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm, kịp thời và công bố thông tin công khai.
Cụ thể, UBCKNN đã tổ chức 14 đoàn thanh tra, 33 đoàn kiểm tra theo kế hoạch, 18 đoàn kiểm tra đột xuất, chuyên đề đối với CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng. Thông qua thanh, kiểm tra, UBCKNN đã ban hành 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm, với tổng số tiền phạt 12 tỷ đồng. UBCKNN cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý các vi phạm và đã chuyển một số vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ. “Đầu năm 2016 tình hình diễn biến phức tạp dù được đánh giá nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản tốt, nền tảng TTCK rất tích cực. Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, thị trường sẽ tiếp tục phát triển tốt và lành mạnh hơn, hạn chế các tin đồn tác động đến tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường” - ông Bằng nói.
Đề cập đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng thừa nhận, TTCK Việt Nam khá nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Tháng 8-2015 khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, giá dầu giảm sâu, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ điều chỉnh lãi suất, những thời điểm đó thị trường đều bị tác động. Không những vậy, thị trường còn bị tác động theo tin đồn xuất phát từ yếu tố tâm lý còn nặng nề. Vì vậy, để thị trường phát triển thực sự bền vững phải triển khai nhiều biện pháp hơn nữa. Ngoài ra, dấu hiệu vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, trong đấu giá cổ phần hóa, giải quyết quyền lợi NĐT chưa thỏa đáng, chưa thực sự minh bạch. Dù UBCKNN có nhiều biện pháp cũng như trình bộ giải quyết nhưng vẫn làm ảnh hưởng đến thị trường. Trong khi đó, hoạt động giao dịch nội gián, thao túng thị trường vẫn còn nhưng UBCKNN không có quyền giám sát, điều tra như các thị trường khác nên phải phối hợp với cơ quan chức năng. Song quá trình này bị chậm hơn, không nhanh nhạy, đã khiến thị trường thêm khó khăn.
Cổ phần hóa thực chất hơn
Theo ông Trần Xuân Hà, năm 2015, vốn hóa của TTCK đạt khoảng 34,5% GDP, nếu tính cả thị trường trái phiếu khoảng hơn 57% GDP. Đây là con số khá ấn tượng. Bên cạnh đó, năm 2015, TTCK đã huy động được vốn khá lớn vốn cho ngân sách và đầu tư phát triển. UBCKNN tính toán huy động được khoảng 300.000 tỷ đồng, nhưng nếu cộng thêm một số loại trái phiếu phát hành riêng lẻ, tổng huy động khoảng 390.000 tỷ đồng (huy động trái phiếu 355.000 tỷ đồng và 55.000 tỷ đồng cổ phiếu). Điều này cho thấy TTCK thực sự đã trở thành kênh huy động vốn cho ngân sách, cho đầu tư phát triển và cho doanh nghiệp.
![]() |
Ông Hà nhận định 2016 là năm có nhiệm vụ khá nặng nề, từ huy động vốn cho ngân sách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, phải tích cực hơn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, gắn cổ phần hóa, thoái vốn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Vì vậy cần tiếp tục gắn kết với các bộ, ngành trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn để làm quyết liệt. Nếu như doanh nghiệp đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng đúng thời hạn phải lên sàn, nếu không phải có chế tài. Thực hiện tốt việc này sẽ tạo sân chơi cho NĐT giao dịch cổ phiếu, tạo điều kiện nâng cao tính minh bạch cho TTCK. Ngoài ra, cũng theo ông Hà, hiện có thực tế là một số doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước còn cao nên tính đại chúng không cao. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn để thu hút nguồn lực bên ngoài.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, một trong những giải pháp quan trọng phát triển thị trường tài chính là phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bởi tính theo số lượng doanh nghiệp, hết năm 2015 cả nước đã cổ phần hóa được 95% số lượng. Tuy nhiên lượng vốn trong các doanh nghiệp này 1,48 triệu tỷ đồng, đến nay mới bán ra bên ngoài được 5,2%. Do vậy, cổ phần hóa phải đi vào thực chất, để huy động mạnh mẽ các nguồn lực vào các doanh nghiệp này.