Vài ngày qua, người dân sống gần trạm thu phí xa lộ Hà Nội bức xúc phản ánh tình trạng đường tạm dưới chân cầu Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức) bị rào chắn không cho ô tô chạy. Muốn vào trung tâm thành phố, các phương tiện buộc phải đi qua trạm thu phí Xa lộ Hà Nội mới lên được cầu Rạch Chiếc.
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) (chủ đầu tư BOT Xa lộ Hà Nội) cho biết theo phương án tổ chức giao thông của khu vực từ cầu Rạch Chiếc đến đường Nam Hòa (phường Phước Long A và phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức) thì đường song hành hai bên cầu Rạch Chiếc sẽ được kết nối lưu thông hai chiều thông qua đường chui dưới dạ cầu Rạch Chiếc.
Đoạn đường tạm dưới dạ cầu Rạch Chiếc đi ra hai bên hông cầu, là đường tạm công vụ, phục vụ cho thi công cầu Rạch Chiếc trước đây, sau đó sẽ được bỏ đi để trồng mảng xanh thuộc hành lang bảo vệ cầu và công viên. Do chưa xây dựng mảng xanh, nên một số hộ dân trong Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long A, đã sử dụng đường tạm để đi xe gắn máy (đi tắt) lưu thông ngược lên cầu Rạch Chiếc vào trung tâm thành phố.
Từ khi Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động trở lại, mỗi ngày, ngoài các hộ dân trong khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, có khoảng 3.000 lượt xe ô tô con giao thông theo hướng từ Đồng Nai qua đường song hành trái (đường Nguyễn Văn Bá), để đi vào đường tạm, rẽ ngược lên cầu Rạch Chiếc vào Trung tâm thành phố. Các phương tiện này đã gây xung đột giao thông với các phương tiện đi thẳng trên trục đường chính xa lộ Hà Nội và đã xảy ra tai nạn giao thông tại chân cầu Rạch Chiếc.
Tại buổi kiểm tra hiện trường về tình hình an toàn giao thông khu vực Rạch Chiếc, các đơn vị chức năng đã thống nhất khi đường song hành trái từ cầu Rạch Chiếc đến đường Võ Văn Ngân hoàn thành sẽ cho điều chỉnh tổ chức giao thông đi qua đường song hành trái và đóng đường tạm bên hông cầu Rạch Chiếc.
Do vậy, sau khi toàn bộ đường song hành trái xa lộ Hà Nội, từ dạ cầu Rạch Chiếc đến đường Võ Văn Ngân hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội đã phải khẩn trương thi công hoàn thiện bó vỉa, lề đường của khu vực dạ cầu Rạch Chiếc, hoàn trả mặt bằng theo quy hoạch.
Đồng thời, Công ty cũng đang tích cực phối hợp với Ban QLDA Đường sắt đô thị thành phố (Chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên và dự án trồng tăng cường mảng xanh dọc tuyến Xa lộ Hà Nội) để bàn giao mặt bằng 2 bên cầu Rạch Chiếc, nhằm đẩy nhanh việc thi công trồng mảng xanh công viên khu vực cầu Rạch Chiếc.
"Chúng tôi xin khẳng định công ty không cố tình ngăn đường để tận thu, vì hệ thống đường tạm này hoàn toàn không có trong quy hoạch, chỉ là đường tạm để thi công cầu Rạch Chiếc. Việc duy trì hệ thống đường tạm trong thời gian ban đầu là để phục vụ công tác tuần tra, duy tu cầu Rạch Chiếc. Nay đường song hành ở khu vực này đã hoàn thành, nhiệm vụ của đường tạm đã xong, cần phải đóng lại, trả lại mặt bằng theo quy hoạch" - bà Trâm khẳng định.
BOT Xa lộ Hà Nội bắt đầu thu phí từ đầu tháng 4.2021 để hoàn vốn cho dự án mở rộng tuyến đường này và đoạn quốc lộ 1 từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (Bình Dương), tổng chiều dài khoảng 16 km. Thời gian thu phí của dự án dự kiến trong 17 năm 9 tháng.