Có mặt tại khu vực Ngân hàng đất, chúng tôi thấy cảnh quan xung quanh vắng lặng, các cửa vào Ngân hàng đất đều bị đóng lại, không cho người ngoài vào. Do Ngân hàng đất đóng cửa nên bến bốc dỡ cũng đói hàng.
Ngân hàng đất luôn trong tình trạng đói đất, trong khi đó, nhiều người nuôi trồng thủy sản đến mùa sên vét vuông tôm thì bí đầu ra, không có chỗ để gửi đất. Theo quy định, người dân muốn cải tạo, sên vuông tôm bằng máy khoan phải có ao chứa bùn, không được đổ trực tiếp hay tràn ra ngoài sông, rạch. Theo người dân, mục tiêu chính của ngân hàng là nhận gửi và cho vay.
Nếu mất cân bằng một trong 2 hoạt động này thì ngân hàng sẽ hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, Ngân hàng đất từ khi ra đời cho đến nay không có đầu vào (nhận đất) và tất nhiên đầu ra cũng không có. Ông Hồ Văn Miên, Chủ tịch UBND xã Trần Thới, cho biết, vừa rồi HĐND tỉnh Cà Mau tiếp xúc cử tri trên địa bàn, người dân phản ánh gặp khó trong vấn đề sên vét vuông tôm.
Ngân hàng đất tại xã Trần Thới (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đang bị bỏ hoang. Ảnh: TẤN THÁI
“Khi sên vét vuông tôm nếu bùn đổ ra sông là vi phạm. Vì vậy, nếu Ngân hàng đất tiếp nhận lượng bùn nạo vét đem về chứa sẽ rất thuận lợi cho dân. Về ý kiến này, tại buổi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo ngành nông nghiệp có tiếp thu”, ông Miên nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình thực hiện Tiểu dự án hệ thống thủy lợi tiểu vùng X - Nam Cà Mau, vào tháng 8-2016, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt quyết định bổ sung hạng mục xây dựng mô hình thí điểm Ngân hàng đất với diện tích 11ha, kinh phí trên 20 tỷ đồng.
Ngân hàng đất có mục tiêu là tiếp nhận đất bùn nạo vét từ các kênh cấp 1, cấp 2 thuộc tiểu vùng X - Nam Cà Mau thuộc phạm vi đầu tư của dự án WB6 và mở rộng phạm vi tiếp nhận bùn đất nạo vét các kênh khác lân cận. Tuy nhiên, khi Ngân hàng đất hoàn thành đưa vào sử dụng (tháng 8-2018) thì xảy ra nghịch lý: nhiều kênh cấp 1, cấp 2 thuộc tiểu vùng X - Nam Cà Mau đã nạo vét xong trước đó nên Ngân hàng đất bị đói đất. Do vậy, mô hình thí điểm xây dựng Ngân hàng đất chưa đạt được mục tiêu, hiệu quả như dự án ban đầu đề ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ngân hàng đất được Sở NN-PTNT Cà Mau giao Trung tâm Quản lý, khai công trình thủy lợi quản lý. Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả Ngân hàng đất như thế nào thì chưa có nhiều lối ra. Trước thực tế trên, ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cho biết đang xây dựng Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, trong đó có Ngân hàng đất.
Theo đề án này, để khai thác được dịch vụ Ngân hàng đất cần trên 12 tỷ đồng đầu tư các thiết bị như xáng cạp, cạp gàu dây (loại 25-45 tấn), sà lan chở đất loại 40-80 tấn, máy đào bánh xích gàu, các xe ben chở đất… Về trang thiết bị cần thiết để vận hành Ngân hàng đất, bước đầu Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi có thể liên doanh, liên kết với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để hợp tác thực hiện. Còn lâu dài, nếu đơn vị cân đối được nguồn kinh phí thì sẽ tự trang bị thiết bị để quản lý, thực hiện.
Cũng theo ông Nam, khai thác kết cấu hạ tầng thủy lợi là một công việc hoàn toàn mới đối với tỉnh Cà Mau, đặc biệt là Ngân hàng đất. Do đó, đánh giá hiệu quả của phương án… rất khó. Tuy nhiên, nếu phương án được duyệt, sau thời gian hoạt động sẽ có báo cáo, tổng kết. Hiện Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đang chờ các ngành chức năng thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.