Vietcombank vừa công bố đợt giảm lãi suất cho vay thứ 9 kể từ năm 2020 đến nay, thời gian áp dụng từ nay đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, giảm lãi suất không thực hiện "trên diện rộng".
Đối tượng của đợt giảm lãi suất lần này là các DN và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Mức lãi suất giảm cũng có sự khác biệt. Toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương được hỗ trợ giảm lãi suất tới 0,5%/năm.
Trong khi đó, toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang chỉ được giảm 0,3%/năm.
Tương tự, các DN tại 19 tỉnh, thành phía Nam cũng được BIDV hỗ trợ một phần lãi suất đến hết năm nay. Theo công bố của BIDV, ngân sách hỗ trợ lãi suất lần này trị giá 1.000 tỷ đồng. Trong đó, NH giảm 0,5-1,5%/năm lãi suất cho vay VNĐ đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15-7-2021, đối với các DN có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort…. Đồng thời, BIDV triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường.
VietinBank cũng triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng, đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ đồng.
Kienlongbank cũng công bố giảm tối đa 1,5%/năm lãi suất vay cho tất cả khách hàng đang quan hệ tín dụng tại nhà băng này bị ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp bởi dịch Covid–19 và thỏa mãn các điều kiện do NH đưa ra.
Có thể thấy, chính sách giảm lãi suất của NH được công bố rầm rộ trong thời gian gần đây, đặc biệt sau cuộc họp đồng thuận giảm lãi suất của Hiệp hội NH Việt Nam và các thành viên. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều ý kiến từ khách hàng cá nhân cho rằng, nhà băng đang bỏ quên họ, cá nhân vay không được giảm lãi suất.
Chẳng hạn, vài tháng nay, rất nhiều cá nhân có dư nợ hiện hữu tại các nhà băng trong nhóm Big 4 đã được giảm 1% trên tổng lãi vay. Tuy nhiên, những khách hàng cá nhân đã tham gia vay theo gói ưu đãi lãi suất do các NH này triển khai trước đó, sẽ không được ưu tiên giảm lãi theo chính sách hỗ trợ mới ban hành.
Trong khi đó, khách hàng cá nhân vay tại các NHTMCP ít được hỗ trợ lãi suất hơn, vì nhóm NH này chỉ tập trung hỗ trợ khách hàng DN.
Giải thích về mức giảm lãi ít hay nhiều cũng như đối tượng được hỗ trợ, lãnh đạo một NHTMCP cho biết, để chia sẻ với khó khăn của khách hàng thông qua giảm lãi suất, NH phải giảm lợi nhuận hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, NH phải cân nhắc mức giảm và đối tượng được giảm.
Những NH có tiềm lực tài chính lớn mạnh có thể giảm đồng loạt cho toàn bộ khách hàng. Song những NH có sức khỏe tài chính trung bình sẽ tập trung vào đối tượng mục tiêu, chủ yếu tập trung vào khách hàng DN. Kể cả ở nhóm khách hàng DN, hỗ trợ cũng được chia ra theo ngành nghề, tức là mức giảm tùy theo “khẩu vị” của từng nhà băng.
Có NH sẽ giảm tối đa cho 5 lĩnh vực ưu tiên, giảm ít hơn cho các lĩnh vực khác, nhưng cũng có NH tập trung hỗ trợ tối đa cho những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, như du lịch, vận tải…
Ngoài ra, những lĩnh vực rủi ro cũng bị loại khỏi danh sách hỗ trợ lãi vay của NH. Đơn cử như trong đợt giảm lãi suất thứ 9 này, Vietcombank thông báo rõ sẽ không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…