Nhận định các doanh nghiệp có thể sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, các ngân hàng cam kết sẽ không tăng lãi suất huy động và cho vay đồng thời cân nhắc giảm thêm một số lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa đại dịch.
Đây là nội dung tại hội nghị do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì cùng với 21 ngân hàng thương mại về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bới dịch nCoV sáng ngày 6/2 tại Hà Nội.
Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... Từ đó, các ngân hàng kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo quy định pháp luật hiện hành; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Tại hội nghị, đa số lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết tình hình huy động và cho vay trong đầu năm mới có sụt giảm nhẹ do tác động của dịch. Mặc dù vậy, các ngân hàng đều đã triển khai các biện pháp phòng ngừa từ hội sở đến các chi nhánh, phòng giao dịch bảo vệ cán bộ, khách hàng và có những hướng dẫn truyền thông đầy đủ và liên tục.
Là ngân hàng có dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn cao nhất toàn ngành, ông Nguyễn Toàn Vượng-Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết đến thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại bao nhiêu. Agribank đang cùng khách hàng nhận diện đánh giá những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.
“Trong đợt dịch này, cũng có những lĩnh vực lại là lợi thế chứ không phải tất cả bất lợi cho nên cần phải bình tĩnh đánh giá. Về phía Agribank, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho khách hàng nếu gặp khó khăn do dịch nCoV gây ra,” ông Vượng chia sẻ.
Trong khi đó, Kienlongbank là ngân hàng có mức giảm lãi suất cao nhất cho các doanh nghiệp trong đợt này. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ giảm 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng của ngân hàng trong thời gian qua. Thời gian triển khai chương trình là 3 tháng, từ nay đến 30/4. Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cũng cho biết đối với khách hàng cá nhân nếu bị ảnh hưởng của dịch cúm không có nguồn trả nợ, ACB sẽ cơ cấu bằng cách trả một phần lãi và sẽ chuyển một phần lãi qua kỳ tiếp theo, đối với các doanh nghiệp cũng tương tự như vậy. Song song với đó, ACB cũng sẽ dành 1 gói tín dụng để kích thích doanh nghiệp bằng cách ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn hiện tại.
Trong danh mục khách hàng của VPBank, những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn thuộc lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng-ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang); các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu với Trung Quốc như nông, thủy sản, các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc… sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, VPBank cũng giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định như: Thuộc các ngành, lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng và tác động của dịch nCoV, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu tại thị trường Trung Quốc nói trên; có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, có lịch sử vay trả đúng hạn...
Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Tránh tình trạng trục lợi
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc cơ cấu nợ, hiện nay cơ cấu nợ theo quy định hiện hành phải chuyển nhóm nợ mà từ nhóm 2 trở lên là thành nợ xấu như vậy khách hàng sẽ không vay lại được. Nếu muốn được vay lại thì phải có biện pháp hỗ trợ.
Chính vì vậy lãnh đạo các ngân hàng thương mại kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể hơn, giúp cho các ngân hàng thương mại triển khai hoạt động hỗ trợ cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cúm này được hiệu quả.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB kiến nghị, đề nghị Vụ Tín dụng đánh giá các ngành tác động trực tiếp, có thể chọn 3-4 ngành trọng điểm báo cáo Chính phủ tránh để tình trạng một số lĩnh vực không bị ảnh hưởng nhưng doanh nghiệp hoặc khách hàng cá nhân lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi.
Tương tự, ông Vượng cũng mong Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có đánh giá cụ thể từng đối tượng khách hàng, không để những khách hàng bị ảnh hưởng của dịch lợi dụng việc này làm rối loạn thị trường.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Mỗi ngân hàng thương mại phải tự xây dựng một kịch bản đưa ra các giải pháp cụ thể không chỉ cho ngân hàng, doanh nghiệp và người dân ở đợt dịch này mà còn là cho các diễn biến khác có khả năng xảy ra.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng không được tăng lãi suất huy động và cho vay, ngoài giảm lãi suất cho 5 lĩnh vực ưu tiên thì những lĩnh vực khác có thể giảm được lãi suất thì các ngân hàng thương mại nên cân đối giảm tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cơ cấu kéo dài thời hạn nợ trong thời gian không quá 2 tuần; trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế riêng cho các đối tượng tác động của dịch gây ra nhưng đảm bảo không làm méo mó thị trường tín dụng, nợ xấu…
Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản nếu các ngân hàng thương mại thiếu. Về lãi suất, nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh để hỗ trợ ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và người dân.